Nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước châu Mỹ, các quốc gia thuộc Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) ngày 28/7 nhất trí cam kết thúc đẩy thương mại khu vực.
Trong cuộc gặp các ngoại trưởng MERCOSUR tại thủ đô Caracas, Venezuela chuẩn bị chương trình nghị sự cho cuộc họp thượng đỉnh ngày 29/7, Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua khẳng định Caracas coi MERCOSUR và các khối thương mại Mỹ Latinh khác là những nhân tố quan trọng trong việc củng cố sự hội nhập khu vực và thúc đẩy các nền kinh tế.
Ông nêu rõ trên cương vị Chủ tịch luân phiên MERCOSUR, Venezuela đã nỗ lực thiết lập một khu vực kinh tế bổ sung gồm các thành viên của Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), Cộng đồng các quốc gia Caribe (CARICOM), MERCOSUR và Tổ chức Liên kết năng lượng vùng Caribe (PETROCARIBE). Venezuela coi sáng kiến này là cách đưa Mỹ Latinh trở thành một thế lực về chính trị và kinh tế.
Ủng hộ sáng kiến của Caracas, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman cho rằng MERCOSUR nên đóng một vai trò thống nhất trong việc hình thành chính sách kinh tế khu vực phù hợp với nhu cầu của các nước Mỹ Latinh. Ông nhận định cần ưu tiên đổi mới hệ thống tài chính, thương mại và kinh tế hiện nay và MERCOSUR nên đóng vai trò lãnh đạo nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của các nước trong khu vực.
Ngoại trưởng Argentina cũng nhắc lại cam kết của Buenos Aires tiếp tục thúc đẩy sự thống nhất của khối trong vai trò chủ tịch luân phiên tiếp theo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Brazil Luiz Alberto Figueiredo đánh giá cao các nỗ lực của Venezuela trong vai trò chủ tịch luân phiên của MERCOSUR, khẳng định Caracas đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ đối với hội nhập khu vực và tạo lập nền tảng giải quyết các vấn đề mới trong chương trình nghị sự của khối.
Được thành lập năm 1991, MERCOSUR có 5 thành viên chính thức là Brazil, Argentina, Uruguay, Venezuela và Paraguay cùng các thành viên liên kết là Bolivia, Chile, Ecuador, Colombia và Peru. MERCOSUR hiện là thực thể kinh tế lớn thứ năm thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như là một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 275 triệu người tiêu dùng.
Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối lên đến 3.300 tỷ USD, chiếm 83% tổng sản phẩm quốc nội của Nam Mỹ, với trao đổi thương mại nội khối hàng năm đạt gần 62 tỷ USD./.