'Metro Cát Linh-Hà Đông thay đổi thói quen đi lại của người dân'

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đến nay đã vận hành gần được một năm và có được đông đảo hành khách đi tàu, đặc biệt là giờ cao điểm, góp phần giảm ùn tắc giao thông Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố cũng như cả nước được đưa vào vận hành, khai thác gần một năm qua. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố cũng như cả nước được đưa vào vận hành, khai thác gần một năm qua. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông một năm đi vào vận hành, khai thác đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là lực lượng xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn.

Tuyến Metro này cũng góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội (Hanoi Metro).

Xương sống của vận tải công cộng

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau một năm đưa vào vận hành, khai thác?

Ông Vũ Hồng Trường: Từ ngày 6/11/2021, Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố cũng như cả nước. Đến hết 4/11/2022, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước (đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông) đã vận chuyển được gần 7,5 triệu hành khách an toàn.

Hiện nay, mỗi ngày có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ Nhật) dao động từ 26.000-28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa. Khách đi lại thường xuyên là 5.000-6.000 người.

Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến.

- Với việc lượng khách liên tục tăng, phải chăng thói quen đi lại của người dân đã có sự thay đổi và Metro là tương lai tất yếu của giao thông đô thị, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Trường: Tàu Cát Linh-Hà Đông đi vào vận hành đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn và giải quyết căn cơ tận gốc rễ bài toán đặt ra với giao thông đô thị. Kết quả vận hành thu được là kết quả tốt nhất trong kịch bản năm đầu đã được Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với thành phố Hà Nội giao cho Metro thực hiện.

Kết quả này hết sức quan trọng. Qua vận hành, người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh an toàn thân thiện. Nếu như trước đây nói người dân ngại đi 200-300m nhưng hiện đi bộ 1-2km để tiếp cận giao thông công cộng, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

- Vậy, ông có thể nói rõ đâu là nguyên nhân của sự thành công này?

Ông Vũ Hồng Trường: Metro Cát Linh-Hà Đông đến nay vận hành tốt và có được đông đảo hành khách đi tàu chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các bộ ban ngành và Hà Nội, sự chia sẻ khó khăn, ủng hộ của người dân và sự cố gắng hết mình của đội ngũ cán bộ công nhân viên Metro Hanoi dù bao khó khăn cố gắng vượt lên chính mình để hoàn thành sứ mệnh được giao.

Để một tuyến Metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa biểu đồ, phương thức vận hành nhằm đảm bảo thuận lợi tốt nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố, quá trình này liên tục cải tiến và không ngừng nghỉ.

'Metro Cát Linh-Hà Đông thay đổi thói quen đi lại của người dân' ảnh 1Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được gần 7,5 triệu hành khách an toàn. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Thành phố Hà Nội sau khi tiếp nhận đã làm tốt nhất để người dân tiếp cận các nhà ga tiện lợi nhất về thời gian, không gian và không chỉ đối tượng bình thường kể cả là những người khuyết tật, người yếu thế.

Metro Cát Linh-Hà Đông áp dụng chính sách giá vé rẻ và hết sức linh hoạt, hấp dẫn và tạo sự công bằng khi đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít và kết quả về lượng vé ngày rất lớn ngoài mong đợi. Điều này rất phù hợp ở các đô thị khi người dân đi cự ly ngắn và trung bình là chủ yếu.

Người Việt đã vận hành toàn bộ tuyến

- Mức thu nhập, lương thưởng của nhân viên Hanoi Metro như thế nào? Đội ngũ lao động của đơn vị đã thành thạo trong vận hành cũng như làm chủ được công nghệ tại tuyến này chưa?

Ông Vũ Hồng Trường: Lái tàu nếu vận hành đủ ngày công thì thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Các chức danh khác có thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng, thấp nhất là 6,5 triệu đồng. Năm nay có nâng lương theo tỷ lệ quy định. Những năm trước chưa vận hành, người lao động không có phúc lợi Tết.

Trong thời gian chờ nhận bàn giao dự án, tôi phải xin thành phố cho cơ chế đi đào tạo chuẩn bị tốt hơn và hưởng lương tối thiểu vùng. Nhiều lái tàu, nhân viên Metro sẵn sàng làm những công việc khác để tồn tại.

Khi tuyến Metro đi vào hoạt động, tôi phải cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng vượt lên của đội ngũ cán bộ công nhân viên những người thực sự đam mê, tâm huyết sống chết vì nghề.

Sau gần một năm vận hành, Hanoi Metro tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp tận tình chu đáo, lấy sự hài lòng của hành khách làm niềm vui động lực phấn đấu. Giai đoạn đầu có chuyên gia nước ngoài là Bắc Kinh Metro hướng dẫn, xử lý các sự cố. Đến nay toàn bộ tuyến người Việt Nam đã làm chủ được quản lý vận hành. Đây là đội ngũ nòng cốt để chúng tôi tiếp nhận vận hành đoạn Nhổn-ga Hà Nội vào cuối năm nay và sẵn sàng tiếp viện nhân sự tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trải qua một năm đi làm vận hành, ông nhìn nhận còn những khó khăn của dự án này ra sao?

Ông Vũ Hồng Trường: Khó khăn không bao giờ hết, vấn đề là đối đầu, xử lý như thế nào.

Chúng tôi chuẩn bị đội ngũ lao động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tàu để dần làm chủ công nghệ; phải có cải tiến để nâng cao tiện ích cho người dân như thử nghiệm hệ thống thẻ vé thông minh hơn, tích hợp xe buýt mua sắm online, QR code; khai thác tiềm năng thương mại các nhà ga để tăng tiện ích, tính hấp dẫn, tận dụng thương mại để tạo doanh thu giảm trợ giá cho thành phố; chuẩn bị đội ngũ vận hành Nhổn-ga Hà Nội, giảm dần sự phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.

"Sáu tháng đầu tiếp nhận tôi ngủ không yên"

- Khi vận hành tuyến đường sắt này, đã có luc nào ông cảm thấy mệt mỏi hay áp lực?

Ông Vũ Hồng Trường: Con người là cơ thế sống nên tâm lý, tình cảm có lúc vui buồn, nước mắt khi việc làm chưa được theo ý mình. Sáu tháng đầu tiếp nhận tôi ngủ không yên, sợ nhất cuộc điện thoại nửa đêm và đầu giờ sáng vì anh em lúc đầu mới vận hành thấy khác nên còn nhiều bỡ ngỡ.

'Metro Cát Linh-Hà Đông thay đổi thói quen đi lại của người dân' ảnh 2Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Tôi cũng không dám đi khỏi Hà Nội 6 tháng đầu đồng thời yêu cầu cán bộ chủ chốt, quân số đi làm không có ngày nghỉ cuối tuần mà làm thêm tăng cường trong thời gian đầu vận hành, khai thác tuyến.

- Vậy niềm vui, hạnh phúc của ông sau thời gian tuyến Metro này đưa vào khai thác là gì?

Ông Vũ Hồng Trường: Tuyến Metro cũng mang lại những điều hạnh phúc bình dị, chân thành như 2 vợ chồng đi từ Bắc Ninh ra đây gửi xe máy để đi trải nghiệm nhưng trên tay vẫn ôm khư khư mũ bảo hiểm vì sợ mất; bà mẹ miền Nam đi ra đây để gặp tôi và thành thật chia sẻ “niềm sung sướng lần đầu được đi tàu điện, giờ có chết cũng yên lòng.” Hay nhiều người thường nói vui với tôi rằng: “Nhà ga hay trên tàu Cát Linh-Hà Đông là điểm chụp ảnh đám cưới cho các đôi bạn trẻ.” Ngày 2/9 vừa rồi, nhiều người dân ở các vùng ngoại thành, các tỉnh đi về mặc áo phông mang cờ đỏ sao vàng nói rằng ngày Tết Độc lập vừa vui chơi và trải nghiệm phương tiện vận tải công cộng...

Hiện, Metro Hanoi cũng có 20 cặp vợ chồng kết hôn do từ quá trình lao động sản xuất nảy sinh tình yêu và có hơn 40 cháu bé đã ra đời. Có nhiều con em công nhân viên lao động đã thể hiện tình yêu mến với Hanoi Metro, như một cháu học lớp 6 vẽ về tàu của bố và được giải 3 của thành phố. Đó là niềm vui, hạnh phúc với những cán bộ, công nhân viên Công ty.

- Đến giờ, ông sẽ lựa chọn hài lòng hay tạm hài lòng về khoảng thời gian khai thác, vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông?

Ông Vũ Hồng Trường: Mọi sự cố gắng không bao giờ uổng phí và được ghi nhận. Giai đoạn đầu chưa được nhưng rồi sau này được ghi nhận đúng như bài hát của Hanoi Metro có đoạn: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân… Sẽ nhớ mãi những ngày xưa ấy, bao buồn vui chở theo những chuyến tàu. Để mai này ta mãi mãi nhớ thương nhau.”

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục