Mối quan hệ truyền thống Nga và Ấn Độ: Môi hở răng lạnh?

Thỏa thuận mua bán vũ khí là bằng chứng chứng tỏ mối quan hệ bền bỉ và chặt chẽ giữa Nga với Ấn Độ, đồng thời làm suy yếu mục tiêu của phương Tây là cô lập Nga trên trường quốc tế.
Mối quan hệ truyền thống Nga và Ấn Độ: Môi hở răng lạnh? ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 4/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Nga và Ấn Độ đã ký một loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực không gian, năng lượng hạt nhân, đường sắt và mua bán vũ khí trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4-5/10 vừa qua.

Tuy nhiên, thỏa thuận mua bán vũ khí - theo đó Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 5 tỷ USD - là điều đáng lưu ý nhất.

Việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ không phải là điều mới. Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ vẫn là khách hàng chính mua vũ khí của Nga (hiện nay) và Liên Xô (trước đây).

Richard Bitzinger, học giả giàu kinh nghiệm của Chương trình chuyển giao lực lượng vũ trang tại RSIS (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore), cho biết Ấn Độ mua tới 35% trong tổng số vũ khí mà Nga xuất khẩu giai đoạn 2013-2017.

"Một mũi tên trúng nhiều đích" của Putin

Tuy nhiên, việc Ấn Độ và Nga ký thỏa thuận mua bán vũ khí trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Putin - và đặc biệt là chỉ khoảng 2 tuần sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc do nước này đã mua hệ thống tương tự từ Nga - là điểm đáng lưu ý.

Với việc đạt được thỏa thuận mua bán hệ thống S-400 với Ấn Độ, Putin được cho là đã "bắn một mũi tên trúng nhiều đích":

1. Khẳng định chất lượng vũ khí Nga

Thứ nhất, đây là bằng chứng chứng tỏ sự tin cậy "có thâm niên" của một khách hàng then chốt như Ấn Độ đối với vũ khí của Nga, trong bối cảnh Mỹ ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường vũ khí của Ấn Độ.

Thứ hai, thỏa thuận này cũng là một công cụ để quảng bá cho ngành vũ khí và các hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga.

2. Cân nhắc đến những vấn đề chính trị và kinh tế trong nước

Thứ ba, thỏa thuận này cũng là một cú huých đối với ngành sản xuất vũ khí của Nga, vốn đóng vai trò ngày càng lớn và quan trọng trong dây chuyền xuất khẩu của Nga.

Đây cũng là một nền tảng quan trọng giúp Putin thu hút được sự ủng hộ của các cử tri trong nước. Theo một cuộc khảo sát của Chatham House, ngành công nghiệp vũ khí của Nga có thể được coi là đứng hàng đầu thế giới.


3. Chính sách đối ngoại và các nhân tố địa chính trị

Thứ tư, thỏa thuận này là bằng chứng chứng tỏ mối quan hệ bền bỉ và chặt chẽ giữa Nga với Ấn Độ, đồng thời làm suy yếu mục tiêu của phương Tây là cô lập Nga trên trường quốc tế sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

[Nga: Ấn Độ đồng ý mua S-400 bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ]

Mục tiêu này của phương Tây, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của một cường quốc lớn như Ấn Độ.

Thứ năm, thỏa thuận này cho thấy mối quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng chặt chẽ cũng không thể lấn át được mối quan hệ truyền thống và gần gũi Ấn-Nga.

Thứ sáu, đây cũng được coi là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng dù quan hệ Nga-Trung hiện nay khá gần gũi nhưng cũng không thể hủy hoại được mối quan hệ lâu đời giữa Moskva và New Delhi.

Nga cũng muốn tái khẳng định cam kết với Ấn Độ rằng Nga đã và sẽ không quên người bạn cũ của mình. Việc bán cho Ấn Độ một trong những hệ thống vũ khí quan trọng của Nga là một thông điệp rõ ràng.

Cuối cùng, Nga muốn khẳng định với Ấn Độ rằng mặc dù Nga tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Pakistan, đối thủ cũ của Ấn Độ trong tiểu lục địa, song Moskva sẽ không từ chối việc cung cấp cho Ấn Độ một hệ thống phòng thủ tân tiến như vậy - hệ thống mà Ấn Độ có thể triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột với Pakistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục