Mỹ dự báo căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh sớm kết thúc

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo rằng những bất đồng trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập sẽ được giải quyết "chóng vánh."
Mỹ dự báo căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh sớm kết thúc ảnh 1Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo rằng những bất đồng trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập sẽ nhanh chóng kết thúc.

Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp song phương với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani bên lề Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, ngày 19/9.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump, người từng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua giữa Qatar và các quốc gia Arab là đồng minh của Mỹ này, đã bày tỏ hy vọng "rất mạnh mẽ" rằng căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh sẽ được giải quyết "chóng vánh."

Về phần mình, Quốc vương al-Thani đã thận trọng khi đề cập đến mối quan hệ bền vững Qatar-Mỹ sau khi Mỹ tỏ ra đồng tình hơn với lập trường của Saudi Arabia trong cuộc khủng khoảng ngoại giao vùng tại Vịnh. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng rằng sự hỗ trợ của Tổng thống Trump "có thể giúp tìm được một giải pháp cho vấn đề này."

[Qatar ký thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu của Anh]

Hiện nay, căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc cùng ngày, Quốc vương Qatar đã tái kêu gọi tiến hành "một cuộc đối thoại vô điều kiện dựa trên sự tôn trọng chủ quyền lẫn nhau" nhằm tháo gỡ những bất đồng hiện nay giữa các nước tại vùng Vịnh, đồng thời chỉ trích 4 quốc gia Arab trên đang gây tổn hại cho cuộc chiến chống khủng bố.

Nhóm 4 nước Arab, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đồng thời phong tỏa các tuyến gia thông thông đường bộ, đường biển và đường không đối với quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này, với cáo buộc Doha hỗ trợ các tổ chức khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực dù Qatar luôn bác bỏ mọi cáo buộc.

Sự phong tỏa cả về ngoại giao và kinh tế của các nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Qatar. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Qatar năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1995.

Nhằm hạn chế những thiệt hại vật chất, chính quyền Doha tiếp tục "bơm" hàng tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nước này để bù đắp cho tình trạng rút vốn của các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, kể từ đầu tháng Sáu đến nay, Ngân hàng Trung ương Qatar (CBQ) đã "bơm" vào hệ thống ngân hàng trong nước tổng cộng khoảng 53 tỷ riyal (gần 14,4 tỷ USD).

Sự hỗ trợ của CBQ đã giúp tổng tiền gửi trong nước tăng 5% trong tháng Tám vừa qua, lên 645 tỷ riyal, giữa lúc tiền gửi từ nước ngoài giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong cùng kỳ, xuống còn 149 tỷ riyal, thấp hơn so với 171 tỷ riyal trong tháng Sáu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục