Mỹ duy trì thuế chống phá giá ống thép không rỉ của Trung Quốc

Bộ thương mại Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì mức thuế chống bán phá giá và trợ giá hiện hành đối với sản phẩm ống thép chịu lực không rỉ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ duy trì thuế chống phá giá ống thép không rỉ của Trung Quốc ảnh 1Một dây chuyền sản xuất ống thép inox tại nhà máy ở huyện Ganyu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 24/6, Chính phủ Mỹ khẳng định Bộ Thương mại nước này tiếp tục duy trì mức thuế chống bán phá giá và trợ giá hiện hành đối với sản phẩm ống thép chịu lực không rỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh một lần nữa lời kêu gọi Washington xóa bỏ chế độ bảo hộ đối với sản phẩm trong nước.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã đưa ra kết luận trong một văn bản hướng dẫn chỉ đạo rằng việc hủy bỏ thuế chống bán phán giá và trợ giá đối với mặt hàng nói trên của Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng tiếp tục hoặc tái diễn tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian trước mắt.

Đây là lần đầu tiên ITC xem xét lại vấn đề áp các loại thuế nói trên kể khi nó được áp dụng vào năm 2009. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10,53-55,21% trong khi mức thuế bù giá từ 1,1-299,16%.

Theo quy định, cứ 5 năm sau khi áp đặt hai mức thuế nói trên, ITC phải tiến hành xem xét lại một lần các mức thuế nói trên.

Luật về các Hiệp định của vòng đàm phán Uruguay yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xóa bỏ cả hai loại thuế nói trên hoặc phải đưa ra một thỏa thuận đình chỉ tạm thời sau 5 năm áp dụng, trừ khi Bộ Thương mại và ITC khẳng định rằng việc xóa bỏ hoặc đưa ra một thỏa thuận đình chỉ tạm thời có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn tình trạng bán phá giá và trợ giá cũng như việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất thép trong nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc một lần nữa hối thúc Mỹ tuân thủ cam kết mà nước này đã ký kết chống lại tình trạng bảo hộ thương mại, và phối hợp với Trung Quốc cũng như các thành viên khác của cộng đồng quốc tế để duy trì một môi trường thương mại quốc tế mở, tự do và công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục