Mỹ quan ngại về tình trạng phong tỏa hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Libya

Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya cho biết sản lượng dầu thô của Libya hiện giảm hơn 550.000 thùng/ngày do các mỏ dầu chủ chốt và cảng xuất khẩu bị một số nhóm vũ trang phong tỏa.
Mỹ quan ngại về tình trạng phong tỏa hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Libya ảnh 1Nhà máy lọc dầu tại al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông khu vực Bắc Phi ngày 21/4 đưa tin Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland đã hối thúc Ngân hàng Trung ương Libya (LCB) bảo vệ nguồn thu từ dầu mỏ của nước này trước vấn nạn tham ô, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc ngừng một nửa hoạt động sản xuất dầu mỏ tại quốc gia Bắc Phi này.

Ông Norland cho rằng tình trạng đình đốn kéo dài trong hoạt động sản xuất dầu mỏ sẽ gây nhiều bất lợi cho người dân Libya.

Văn phòng Truyền thông của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC) ngày 20/4 cho biết sản lượng dầu thô của Libya hiện giảm hơn 550.000 thùng/ngày do các mỏ dầu chủ chốt và các cảng xuất khẩu bị phong tỏa.

Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams nói rằng hoạt động sản xuất dầu mỏ của Libya không nên bị chính trị hóa.

Trong một phát biểu đăng tải trên tài khoản Twitter, bà Williams cũng nhấn mạnh doanh thu từ dầu mỏ nên được phân phối một cách minh bạch và công bằng.

NOC mới đây đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với một số mỏ dầu chính cũng như các cảng xuất khẩu, sau khi các nhóm vũ trang ở miền Nam và miền Đông Libya phong tỏa các cơ sở này vì các yêu cầu chính trị.

Ngày 19/4, NOC thông báo đình chỉ hoạt động tại cảng Brega, nơi có công suất xuất khẩu 60.000 thùng/ngày, một ngày sau khi cảng Zueitina và một số địa điểm chủ chốt khác trong khu vực "Lưỡi liềm Dầu khí" ở phía Đông Libya đã phải đóng cửa do tình trạng bất khả kháng.

Tập đoàn này cũng đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với mỏ dầu Al-Sharara trong ngày 18/4.

Các cơ sở dầu mỏ tại Libya thường bị tấn công hoặc bị phong tỏa bởi các nhóm vũ trang vốn đang gây bất ổn cho quốc gia Bắc Phi này.

[Libya cảnh báo đóng cửa nhiều cơ sở dầu mỏ do khủng hoảng chính trị]

Libya hiện có chính phủ đối địch sau khi quốc hội có trụ sở ở miền Đông hồi tháng 2/2022 bổ nhiệm cựu Bộ trưởng An ninh Fathi Bashagha làm thủ tướng mới, thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) Abdulhamid Dbeibah.

Các nhóm vũ trang phong tỏa các cơ sở dầu mỏ tại Libya đang yêu cầu "phân phối công bằng" nguồn thu từ dầu mỏ và chuyển giao quyền lực cho ông Bashagha.

Tuy nhiên, NOC cảnh báo Libya sẽ phải trả giá đắt do hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu bị phong tỏa.

Tuyên bố của NOC nêu rõ vào thời điểm giá dầu đang phục hồi đáng kể do nhu cầu toàn cầu gia tăng, lĩnh vực dầu mỏ của Libya đang phải hứng chịu làn sóng đóng cửa bất hợp pháp, động thái sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các giếng dầu cũng như làm mất các cơ hội kinh tế của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục