Hiệp hội ngũ cốc Nga ngày 24/12 cho biết, Nga đã dừng xuất khẩu ngũ cốc với các biện pháp hạn chế được thực hiện để bảo vệ nguồn cung trong nước và điều này có thể khiến các hợp đồng lớn có nguy cơ bị ách lại.
Nga đã áp đặt các biện pháp kiểm soát không chính thức đối với xuất khẩu ngũ cốc với việc giám sát chặt chẽ hơn về chất lượng và hạn chế lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt trong tháng này, khi đang phải đương đầu với khủng hoảng tài chính do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo ông Arkady Zlochevsky, Chủ tịch Hiệp hội ngũ cốc Nga, kể từ ngày 18/12, không một con tàu nào rời bến dù đã đến ngày nhổ neo, chuyển hàng theo hợp đồng.
Ông cho biết các quan chức Nga cũng có kế hoạch áp thuế đối với xuất khẩu ngũ cốc, nhưng mức thuế chính xác không phải là chi tiết quan trọng bởi việc xuất khẩu sẽ bị cấm. Ông cho rằng tất cả các lô hàng đã bị đình lại, quy định cấm xuất khẩu chỉ còn chờ thông báo chính thức.
Ông Zlochevsky cho biết khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc đến hạn xuất đi cho đến cuối tháng 1/2015 nhưng đã bị ách lại. Kết quả là Nga có thể không thể cung cấp lúa mỳ cho Cơ quan cung ứng hàng hóa (GASC) của Ai Cập, quốc gia nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, vào tháng Một.
GASC đã mua 180.000 tấn lúa mỳ và số lúa mỳ này sẽ được chuyển vào tháng tới. Ai Cập, nước rất dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là các khách hàng lớn của Nga.
Nga đã từ áp thuế xuất khẩu lúa mỳ vào năm 2008 và chính thức cấm xuất khẩu vào năm 2010 khi hạn hán ảnh hưởng tới mùa màng.
Nga, được dự báo là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới trong năm nay, đang xuất đi một lượng kỷ lục trong sản lượng 105 triệu tấn ngũ cốc./.