Nghị định thư mới về xóa bạo lực tình dục trong xung đột

Một nghị định thư mới nhằm "xóa sổ" nạn bạo lực tình dục trong xung đột đã được công bố tại hội nghị quốc tế về vấn đề này tại Anh.
Nghị định thư mới về xóa bạo lực tình dục trong xung đột ảnh 1Cuộc tuần hành năm 2012 của những phụ nữ bị quân đội Nhật bắt ép làm nô lệ tình dục hồi Thế chiến thứ 2. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế chống bạo lực tình dục trong xung đột, đang diễn ra tại London (Anh), ngày 11/6, Ngoại trưởng Anh William Hague và đặc phái viên Liên hợp quốc, ngôi sao điện ảnh Mỹ Angelina Jolie đã công bố một nghị định thư mới nhằm góp phần hướng tới "xóa sổ" vấn nạn bạo lực này.

Nghị định thư quốc tế nói trên có vai trò thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế trong cách thức điều tra và thu thập những chứng cứ về các vụ bạo lực tình dục trong xung đột, qua đó tạo dựng một công cụ để khởi tố nhiều hơn nữa các vụ phạm tội như vậy trên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, có tới 50.000 phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục trong cuộc chiến tranh ở Bosnia-Herzegovina giai đoạn 1992-1995, song chỉ khoảng 60 người tìm được công lý.

Tại Kenya, gần một nửa phụ nữ và trẻ em gái độ tuổi từ 15 tới 49 từng bị bạo hành hoặc phải hứng chịu bạo lực tình dục. Trong khi đó, một số quốc gia châu Phi, từ Sudan đến Syria và Ai Cập còn chưa đưa ra con số thống kê đầy đủ do hầu hết các nạn nhân đều giữ im lặng - điều vô tình tiếp tay cho những kẻ phạm tội tiếp tục hoành hành.

Ngoại trưởng William Hague bày tỏ hy vọng bên cạnh việc đóng một vai trò quan trọng góp phần thay đổi "văn hóa không trừng phạt" thủ phạm gây ra các vụ bạo lực tình dục trong xung đột như hiện nay, nghị định thư nói trên có thể giúp các nguyên đơn, cảnh sát, lực lượng gìn giữ hòa bình... thu thập nhiều hơn nữa các bằng chứng, đồng thời tiến hành điều tra và khởi tố những kẻ phạm tội liên quan tới những vụ bạo lực nói trên.

Hội nghị quốc tế chống bạo lực tình dục trong xung đột diễn ra trong 4 ngày (10-13/6) ở thủ đô London có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu, gồm đại diện các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục