Ngoại trưởng Zarif: Iran khẳng định không muốn đối đầu với Anh

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Iran được gửi trực tiếp tới ông Boris Johnson, người được cho sẽ trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 23/7 và trở thành thủ tướng Anh thay bà Theresa May.
Ngoại trưởng Zarif: Iran khẳng định không muốn đối đầu với Anh ảnh 1Tàu chở dầu Grace 1 trên vùng biển ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 22/7 khẳng định Iran không muốn đối đầu với Anh liên quan các vụ bắt giữ tàu.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Iran được gửi trực tiếp tới ông Boris Johnson, người được cho sẽ trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 23/7 và trở thành thủ tướng Anh, thay bà Theresa May, trong ngày 24/7.

Phát biểu với các phóng viên ở Managua (Nicaragua) khi được hỏi về một thông điệp gửi tới ông Johnson, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Điều quan trọng đối với ông Boris Johnson khi bước vào số 10 Phố Downing là phải hiểu rằng Iran không muốn đối đầu mà mong muốn mối quan hệ bình thường dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau."

Trong cuộc gặp ngày 22/7 với người đồng cấp Nicaragua, Ngoại trưởng Iran Zarif tuyên bố Tehran có hành động đối với một tàu ở Eo biển Hormuz là nhằm thực thi luật pháp quốc tế, chứ không phải để đáp trả các hành động của Anh.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Anh yêu cầu Iran thả tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Tehran bắt ở vùng Vịnh hôm 19/7, hai tuần sau khi giới chức Anh bắt giữ tàu Grace 1 của Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar do tình nghi vi phạm các lệnh trừng phạt Syria.

Theo Ngoại trưởng Iran, những gì giới chức Anh và Gibraltar tiến hành ở ngoài khơi Gibraltar là hành động "vi phạm luật pháp quốc tế."

Ông Zarif mô tả những cáo buộc của Anh cho rằng tàu Grace 1 "chở dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU" là vô văn cứ.

Tuyên bố trên được đưa ra cùng ngày khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết London sẽ tìm cách thiết lập một phái bộ bảo vệ hàng hải do châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo sự đi lại an toàn qua eo biển Hormuz sau khi Iran bắt giữ một tàu treo cờ Anh.

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Hunt nêu rõ Anh sẽ tìm cách thiết lập một phái bộ bảo vệ hàng hải do châu Âu dẫn đầu để hỗ trợ sự qua lại an toàn của cả thủy thủ đoàn và hàng hóa tại khu vực trọng yếu ở eo biển Hormuz.

Ông Hunt cho biết sẽ thảo luận làm thế nào để việc này có thể bổ sung cho các đề xuất của Mỹ tại khu vực. Theo Ngoại trưởng Hunt, sau vụ bắt giữ tàu Stena Impero hôm 19/7, Anh sẽ yêu cầu toàn bộ tàu treo cờ nước này thông báo cho chính phủ biết ý định đi qua eo biển Hormuz.

Cũng liên quan vấn đề Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/7 tuyên bố nước này sẽ liệt một nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt của Washington do buôn bán dầu thô của Iran.

Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Trong khuôn khổ chiến dịch gây sức ép tối đa, tôi tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thực thể Châu Hải Chân Nhung của Trung Quốc và giám đốc điều hành công ty này Youmin Li. Họ đã vi phạm luật pháp Mỹ bằng cách chấp nhận dầu thô (của Iran)."

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/7 tuyên bố, ngày càng khó để ông có thể đạt một thỏa thuận với Iran và tình hình có thể đi theo chiều hướng khác rất dễ dàng.

Phát biểu này được Tổng thống Trump đưa ra với các phóng viên tại Nhà Trắng trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Trước đó cùng ngày, Iran tuyên bố đã bắt giữ 17 gián điệp của Mỹ và kết án tử hình một số đối tượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục