Người Arab và Israel: Khi cơ bắp bất lực trước trí óc siêu việt

Có thể đổ lỗi cho sự mất đoàn kết của thế giới Arab đã gây ra sự "đen đủi" của Palestine. Có một thực tế trong nhận định này: Người Arab đang bị chia rẽ một cách nghiêm trọng.
Người Arab và Israel: Khi cơ bắp bất lực trước trí óc siêu việt ảnh 1Trẻ em tại thành phố Nablus, Bờ Tây, tham gia tuần hành bày tỏ ủng hộ với người Palestine ở Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng scroll.in, trong 11 ngày kinh hoàng của tháng 5 vưa qua, thế giới đã phải chứng kiến cơn mưa tên lửa "hỏa ngục" nã vào trại giam ngoài trời lớn nhất thế giới, hay còn được biết đến với cái tên khác là Dải Gaza.

Những con người may mắn sống sót bò ra khỏi đống đổ nát trong sự bàng hoàng và cơ thể đẫm máu cũng đã từng trải qua điều này từ trước đây.

Ai cũng đều biết rằng thảm kịch này sẽ lặp lại. Tại các thành phố Arab xa xôi, cũng như tại đây, ở Pakistan, người dân đang chăm chú theo dõi những màn ném bom không hề bị cản trở và còn được truyền hình từ các máy bay phản lực Israel.

Tuy nhiên, những điều họ có thể xoay sở nhiều nhất chỉ là một vài nghị quyết không có sức nặng và một vài cuộc biểu tình vô nghĩa với những khẩu hiệu và hành động giẫm đạp lên lá cờ Israel.

Cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Arab

Điều gì đã khiến Israel với 9 triệu dân - chỉ vào khoảng ½ đến 1/3 dân số Karachi - trở thành một người khổng lồ trong Kinh thánh? Tương tự, bất chấp trữ lượng dầu mỏ nổi tiếng là dồi dào, vì sao 427 triệu người Arab lại trở thành những kẻ tầm thường trong các hoạt động chính trị quốc tế?

Những người Arab trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh chắc chắn có thể kiểm soát những gì diễn ra tại một số quốc gia nghèo như Pakistan; lãnh đạo các nước này có thể bị triệu tập đến Riyadh ngay lập tức và trở về với những bao gạo như là phần thưởng cho sự vâng lời.

Tuy nhiên, trước Israel- một quốc gia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, các vị vua và tù trưởng người Arab lại phải cúi mình chịu thua.

Nếu muốn, bạn có thể đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Quả thực, từ năm 2000-2019, số vũ khí mà các cường quốc phương Tây (Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức) cung cấp cho Israel được ghi nhận có giá trị lên tới 9,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 20 năm đó, cũng tài liệu này cho biết con số trên đã bị giảm bớt vì các thương vụ bán vũ khí từ chính các nhà cung cấp này cho Saudi Arabia (29,3 tỷ USD), cho Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (20,1 tỷ USD), Ai Cập (17,5 tỷ USD), Iraq (9,1 tỷ USD) và Qatar (6 tỷ USD).

Các vũ khí đắt đỏ này sẽ chỉ có thể mang lại sự bảo vệ nhỏ nhoi nếu Israel lựa chọn tấn công các vùng đất của người Arab một lần nữa. Mặc dù liên minh 9 quốc gia do Saudi Arabia dẫn đầu đã gây ra một thảm họa nhân đạo tại Yemen, nhưng họ lại thất bại thảm hại trong việc chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.

[Cuộc xung đột Israel-Palestine: Những nỗ lực còn dang dở]

Như vậy, có thể đổ lỗi cho sự mất đoàn kết của thế giới Arab đã gây ra sự "đen đủi" của Palestine. Có một thực tế trong nhận định này: Người Arab đang bị chia rẽ một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, có bao giờ mà họ không chia rẽ không? Giai đoạn từ khoảng năm 634 sau Công nguyên đến năm 750 sau Công nguyên là giai đoạn duy nhất trong lịch sử mà họ đoàn kết với nhau.

Tiếp đó, sau khi Nasser chiến thắng trước Anh trong cuộc Chiến tranh kênh đào Suez, người Arab lại một lần nữa đoàn kết trong một thời khắc hưng phấn ngắn ngủi. Tuy nhiên, sự thống nhất ấy đã không thể làm được gì để ngăn cản sự thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967- điều đã thay đổi các đường biên giới mãi mãi. Và mặc dù những người bạn và những thành phần ủng hộ Palestine có thể vui khi thấy Fatah và Hamas khắc phục được những bất đồng giữa họ, thì việc làm đó cũng chẳng thể thay đổi cơ bản mọi thứ.

Trí óc chiến thắng cơ bắp

Bí mật sức mạnh của Israel không nằm ở kho vũ khí của họ. Thay vào đó, nhà nước thực dân theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đang mở rộng và vẫn đi chiếm đất làm thuộc địa này đang sử dụng phép thuật tương tự từng giúp những người Anh chiếm đóng toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ làm thuộc địa của mình vào thế kỷ XVIII.

Cần nhớ rằng khi cai trị hơn 20 triệu người bản xứ trong vòng 250 năm, không lúc nào Anh duy trì hơn 50.000 lính da trắng trên mảnh đất của Ấn Độ. Mặc dù việc sở hữu những khẩu súng và đại bác tốt hơn đã mang lại lợi thế cho họ, nhưng trên thực tế thì vũ khí thực sự không mấy bí mật của họ còn mạnh hơn nhiều.

Vũ khí đó là một hệ thống tư duy có tổ chức dựa trên một cách tiếp cận hợp lý và lâu dài với cuộc sống, một hệ thống tư pháp hiện đại và một tập hợp các mối quan hệ xã hội kiểu mới.

Điều này được duy trì và củng cố bởi nền giáo dục kỷ nguyên Khai sáng không chú trọng cách học vẹt truyền thống mà tập trung hướng đến thế giới và tương lai, vào kỹ năng giải quyết vấn đề sử dụng tư duy khoa học và có hệ thống. Sở hữu những phương tiện phát minh hiện đại để liên lạc như là đường sắt, điện báo, một hòn đảo đơn thuần ở Biển Bắc cũng có thể tự hào về một đế chế mà ở trên đó Mặt Trời không bao giờ lặn.

Tóm lại, những cuộc chinh phục của các đế quốc đã chứng minh trí óc sẽ chiến thắng cơ bắp - một thực tế rõ ràng và ngày càng rõ ràng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, những khối óc này được sinh ra từ đâu? Dĩ nhiên là trong các trường học, cao đẳng và đại học, nơi những tư duy được uốn nắn và mài dũa.

Do vậy, ngày nay tất cả mọi người đều vội kết luận một điều đơn giản rằng chỉ cần sữa chữa hệ thống giáo dục thì cán cân sẽ ngay lập tức cân bằng, xóa bỏ đáng kể hoặc chấm dứt sự mất cân đối về quyền lực. Nhưng nói thì dễ hơn nhiều so với làm. Để có những cơ sở, lớp học và giáo viên để “nuôi dưỡng” tiềm năng từ các học sinh là điều hoàn toàn khác biệt.

Với sự giàu có của mình, các nước Arab đã xây dựng nên những khuôn viên đại học tầm cỡ, với các phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ và những thư viện chứa đầy sách. Họ thậm chí còn mời về những giáo sư từ Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, thành quả vẫn còn ở rất xa bởi sẽ phải mất thời gian rất dài để thay đổi thái độ học tập, nhất là khi bị buộc phải thay đổi.

Tại Pakistan, vốn đi theo mô hình Arab một cách tốt nhất có thể, với những bộ quần áo dành cho người Hồi giáo, không một trường đại học nào ở đây có hiệu sách, có một trung tâm để các học sinh thảo luận và tranh luận một cách công khai, hoặc một rạp chiếu bóng để phát những bộ phim kinh điển.

Những giá trị thế tục

Tìm kiếm một triết gia hay một nhà toán học cao cấp thuần túy sẽ là điều vô ích ở đất nước này. Trong suốt 20 năm, những công trình nghiên cứu và các tiến sỹ đã "mọc lên" như nấm. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng nhiều danh hiệu “giáo sư ưu tú” của Pakistan với hàng trăm ấn phẩm nghiên cứu sẽ bị cho là không thích hợp để dạy ở một trường trung học ở Israel vì họ thiếu uyên bác.

Vấn đề này không mang tính di truyền. Những người Arab có một quá khứ hào hùng và có lẽ cũng thông minh như người Do Thái Ashkenazi ở Israel. Tuy nhiên, hai nhóm người này có những thái độ khác nhau đối với thành công và đặt ra những hình mẫu khác nhau.

Trẻ em Ashkenazi muốn trở thành Albert Einstein, Niels Bohr, John von Neumann, George Wald, Paul Samuelson, Gertrude Elion, Ralph Lauren, George Soros hay hàng nghìn cái tên khác xuất hiện trên những cuốn sách giáo khoa về vật lý, triết học, công nghệ, y học và kinh doanh.

Trong khi đó, những cậu bé Arab lại muốn trở thành Salahuddin Ayubi và các chàng trai Pakistan lại ước mơ trở thành một Ertugrul Ghaz trên lưng ngựa. Họ thậm chí không biết về Abdus Salam, chủ nhân giải Nobel vật lý người Pakistan bị lãng quên.

Chúng ta đang sống trong một thế giới khắc nghiệt mà dĩ nhiên là chúng ta phải nỗ lực hết mình để khiến nó bớt khắc nghiệt hơn và nhân văn hơn. Tuy nhiên, để làm nên một thế giới công bằng về mặt xã hội đòi hỏi nhiều hơn là việc chỉ trích những kẻ áp bức và đồng cảm với kẻ bị áp bức. Thay vào đó, kẻ yếu cần trở nên mạnh mẽ hơn.

Sức mạnh không bắt nguồn từ dầu mỏ hay bom hạt nhân. Sức mạnh đâm chồi từ trí não con người, nhưng với điều kiện món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng đó phải được mài dũa và nuôi dưỡng trong một hệ thống những giá trị thế tục luôn nâng niu và đề cao tư duy logic, sự tìm tòi và sáng tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục