Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ "tiến trình" giữa Mỹ và Triều Tiên

Thủ tướng Shinzo Abe cho biêt Nhật Bản ủng hộ "tiến trình" giữa Mỹ-Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc gặp diễn ra giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Hong-un sẽ dẫn tới tiến triển tích cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 1/7 cho biêt Nhật Bản ủng hộ "tiến trình" giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc gặp diễn ra ngày 30/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ dẫn tới những tiến triển tích cực.

Các hãng tin Kyodo và Jiji Press dẫn lời ông Abe phát biểu với các phóng viên tại Phủ thủ tướng Nhật Bản nêu rõ: "Tôi hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ dẫn tới những tiến triển."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Kim Jong-un và ông Donald Trump trong cuộc gặp ngày 30/6 nhất trí thúc đẩy đổi thoại nhằm tạo một bước đột phá mới trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

[Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3]

Trong khi đó, đài Sputnik cùng ngày cũng dẫn lời ông Abe phát biểu với báo giới nói rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều thúc đẩy ông tổ chức cuộc hội đàm riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên để giải quyết vấn đề liên quan đến các công dân Nhật Bản bị bắt cóc trước đây.

Ông Abe nhấn mạnh: "Giờ đây tôi quyết định là cần gặp Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un và cố gắng đạt được giải pháp cho vấn đề đó."

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng hoan nghênh cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump, cho rằng việc nối lại đàm phán Mỹ- Triều mang lại cơ hội lớn. Phát biểu với báo giới, ông Kono nhấn mạnh: "Tôi hy vọng cuộc gặp sẽ tác động nhiều đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên."

Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đánh giá cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên và Mỹ tại biên giới liên Triều sẽ là "bước ngoặt" trong các cuộc đàm phán hạt nhân và góp phần thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Lee Sang-min nói: "Chúng tôi hy vọng rằng cuộc găp lịch sử diễn ra ở Panmunjom ngày 30/6 giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ sẽ là bước ngoặt trong nỗ lực phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên."

Theo người phát ngôn trên, hai miền Triều Tiên sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì đà hiện nay, tăng cường các mối quan hệ liên Triều cũng như thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều Tiên.

Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên. Hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân bị đình trệ từ đầu năm nay. Trước khi họp kín, hai nhà lãnh đạo đều đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Các cuộc gặp trên diễn ra bất ngờ, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt thỏa thuận nào. Quan hệ liên Triều cũng gặp khó khăn khi các dự án hợp tác lớn bị đình chỉ, một phần do các cuộc đàm phán phi hạt nhân không tiến triển cũng như các biện pháp trừng phạt mà Washington tuyên bố vẫn duy trì cho đến khi kết thúc tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua ranh giới tại DMZ sang phần lãnh thổ Triều Tiên. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương. Trước đây, chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã thăm Triều Tiên, đó là ông Jimmy Carter vào tháng 6/1994 và ông Bill Clinton vào tháng 8/2009. Cả hai chính khách này đều thăm Triều Tiên khi đã rời nhiệm sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục