Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác với IAEA về xử lý nước thải nhiễm xạ

Thỏa thuận nêu rõ IAEA hợp tác với Chính phủ Nhật Bản tổ chức đánh giá về mặt quy định, tính năng an toàn của Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), tổ chức giám sát và kiểm tra trên biển.
Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác với IAEA về xử lý nước thải nhiễm xạ ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/7, Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ký kết Điều khoản ủy thác (TOR) có liên quan đến khung hợp tác về xử lý nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1.

Thỏa thuận nêu rõ IAEA hợp tác với Chính phủ Nhật Bản tổ chức đánh giá về mặt quy định, tính năng an toàn của Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), tổ chức giám sát và kiểm tra trên biển.

Các biện pháp hỗ trợ của IAEA sẽ được tiến hành thông qua Nhóm làm việc chuyên trách, đặt tại văn phòng của IAEA, gồm các chuyên gia đến từ 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này coi trọng hợp tác với IAEA để đảm bảo độ tin cậy và tính minh bạch liên quan đến hoạt động của hệ thống ALPS.

Trong thời gian tới, chính phủ sẽ giải thích một cách đầy đủ, minh bạch, trên cơ sở các căn cứ khoa học về tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cũng như tình hình xử lý nước thải nhiễm xạ bằng hệ thống ALPS.

[Hàn Quốc quan ngại kế hoạch xả thải từ nhà máy điện Fukushima]

Phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết chuyên gia hạt nhân của Viện An toàn Hạt nhân Hàn Quốc (KINS), ông Kim Hong-suk sẽ tham gia nhóm chuyên gia của IAEA.

Trong thông cáo báo chí, Chính phủ Hàn Quốc nhắc lại "ưu tiên hàng đầu" đối với sức khỏe và sự an toàn của công dân, nhấn mạnh "sẽ không nhân nhượng đối với bất kỳ biện pháp nào có thể gây tổn hại đến sức khỏe của công dân."

Sự tham gia của nhà nghiên cứu Hàn Quốc vào nhóm chuyên gia trên của IAEA diễn ra bối cảnh Seoul kêu gọi các nỗ lực giám sát "có thể chấp nhận được, khoa học và khách quan" liên quan đến vấn đề này và Hàn Quốc lo ngại rằng việc xả thải nước thái nhiễm xạ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các nước láng giềng và môi trường biển.

Trận động đất, sóng thần năm 2011 đã gây hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1. Cùng với nước mưa và nước ngầm nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng hệ thống ALPS.

Hệ thống ALPS phân tách chất phóng xạ strontium, cesium và 62 đồng vị phóng xạ khác, nhưng không thể loại bỏ tritium, chất được cho là ít gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi ở nồng độ thấp.

Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và hiện lên đến hơn 1.000 thùng với khoảng 1,25 triệu tấn.

Tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản quyết định xả ra biển nước nhiễm phóng xạ sau khi xử lý có nồng độ Triti ở mức 1.500 becquerel/lít - tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nước uống và vấp phải sự phản đối của một số nước trong khu vực.

Nhật Bản đã lên kế hoạch bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển vào năm 2023 trong một quá trình dự kiến kéo dài hàng thập kỷ, vì tất cả các bể chứa tại nhà máy Fukushima dự kiến sẽ đạt giới hạn tối đa là 1,37 triệu tấn vào đầu mùa Thu năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục