Nhật Bản thực sự có nhu cầu trang bị vũ khí của Mỹ hay không?

Đánh giá về kế hoạch triển khai hệ thống Aegis Ashore, US Foreign Policy cho rằng "hệ thống này sẽ giúp bảo vệ hơn 50.000 lính Mỹ ở Nhật Bản, tăng cường khả năng phòng thủ đối với lục địa Mỹ.
Nhật Bản thực sự có nhu cầu trang bị vũ khí của Mỹ hay không? ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis Ashore. (Nguồn: RT)

Báo Sankei mới đây đăng bài viết cho biết chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất Aegis Ashore do đồng minh Mỹ phát triển vì lý do kỹ thuật.

Theo bài viết, mặc dù không nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả của kế hoạch trang bị vũ khí từ quốc gia mạnh nhất thế giới là Mỹ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, song xét từ quá trình triển khai kế hoạch này có thể thấy, vấn đề ở đây là Nhật Bản có thực sự muốn trang bị vũ khí của Mỹ hay không.

Aegis Ashore là hệ thống sử dụng radar có hiệu suất cao để phát hiện tên lửa đạn đạo của đối phương và phóng tên lửa đánh chặn SM3 từ đất liền để tiêu diệt. Nhật Bản đã thúc đẩy để triển khai hệ thống này ở tỉnh Akita và Yamaguchi.

[Nhật Bản hủy triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore]

Dựa trên các thông tin được cung cấp từ phía Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã giải thích với các tỉnh sẽ đặt hệ thống này rằng động cơ đẩy được tách ra sau khi tên lửa SM3 được phóng ra sẽ rơi xuống khu vực bãi tập của căn cứ quân sự, hoặc rơi xuống biển.

Tuy nhiên, trong quá trình Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy triển khai các bước cụ thể, các bên liên quan đã đưa ra cảnh báo hệ thống đẩy của tên lửa có thể rơi xuống nhà dân nằm xung quanh căn cứ.

Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản sẽ cần khoản kinh phí bổ sung cực lớn và thời gian cải tiến kỹ thuật có thể lên đến hơn 10 năm.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản chỉ trích Bộ Quốc phòng và Cơ quan trang bị vũ khí phòng vệ đã quá sơ xuất khi không thể nắm bắt đầy đủ thông tin.

Để đối phó với vấn đề không thể nắm bắt và phân tích chính xác thông tin chi tiết như trong trường hợp hệ thống Aegis Ashore, một cựu quan chức trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho rằng các nhân viên SDF có quan hệ với lực lượng quân đội Mỹ nên tham gia nhiều hơn vào các kế hoạch tương tự.

Khi đầu tư các thiết bị từ Mỹ, điều quan trọng là lực lượng Phòng vệ Mặt đất - đơn vị tiến hành huấn luyện chung với quân đội Mỹ tại Nhật Bản - phải bố trí thời gian để kiểm tra, đánh giá kỹ hoạt động và thông số kỹ thuật chi tiết của thiết bị.

Liên quan đến những tính toán của phía Mỹ khi xem xét cung cấp cho Nhật Bản những thiết bị quân sự hiện đại nhất, bao gồm cả những kỹ thuật nhạy cảm, một cựu quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết "điều này sẽ nâng cao năng lực ngăn chặn và phòng vệ của đồng minh Nhật Bản, đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực."

Các mối đe dọa từ chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc hiện rất rõ ràng và nhận  thức về sự cần thiết tăng cường năng lực phòng vệ của Nhật Bản là chính đáng.

Năng lực ngăn chặn của SDF và quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản đối với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên cũng sẽ góp phần hạn chế các nguy cơ đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ.

Đánh giá về kế hoạch triển khai hệ thống Aegis Ashore, một bài báo trên tờ US Foreign Policy phiên bản điện tử cho rằng "hệ thống này sẽ giúp bảo vệ hơn 50.000 lính Mỹ ở Nhật Bản, tăng cường khả năng phòng thủ đối với lục địa Mỹ.

Ngoài ra, các tàu của Mỹ hiện đang tác chiến nhằm đảm bảo năng lực phòng vệ cho Nhật Bản sẽ có thời gian để hoạt động tại các khu vực khác.

Việc cung cấp cho Nhật Bản các loại vũ khí sử dụng kỹ thuật cao, nhạy cảm có thể dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin bí mật, song điều này sẽ mang lại lợi ích cho đồng minh Nhật-Mỹ, cũng như đảm bảo an ninh cho chính lãnh thổ Mỹ.

Quân đội Mỹ được cho là sẽ ủng hộ Nhật Bản trang bị vũ khí của Mỹ với lý do rằng lực lượng này sẽ cùng SDF chiến đấu với kẻ thù khi xuất hiện tình huống khẩn cấp tại Nhật Bản.

Một cựu quan chức SDF nhận định rằng "quân đội Mỹ tin là việc SDF sử dụng cùng một loại vũ khí sẽ tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị, cải thiện khả năng chiến đấu. Việc trang bị vũ khí cho SDF có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của các binh lính Mỹ."

Tuy nhiên, cũng có những thời điểm Mỹ thận trọng trong việc cung cấp các thiết bị vũ khí mới nhất cho Nhật Bản. Khi Nhật Bản mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nước này đã đề nghị Mỹ cung cấp loại máy bay F22 được đánh giá là mạnh nhất thế giới, tuy nhiên đề nghị này không thể thực hiện do luật pháp Mỹ nghiêm cấm xuất khẩu loại máy bay này.

Thực tế, trong chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng có ý kiến phản đối cung cấp cho nước khác các loại trang thiết bị vũ khí thế hệ mới nhất do lo ngại lộ thông tin bí mật, cũng như đảm bảo ưu thế quân sự cho chính Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump, vốn coi trọng thúc đẩy ngành công nghiệp nước này, đã bày tỏ hoan nghênh việc cung cấp trang thiết bị của Mỹ cho các đồng minh, tuy nhiên, khi tình hình chính trị có sự thay đổi lớn, khả năng quan điểm thận trọng trong nội bộ nước Mỹ sẽ ngày càng tăng cao.

Trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng tăng, không có gì đảm bảo rằng Nhật Bản có thể mua được các loại vũ khí quân sự tối tân từ đồng minh thân thiết của mình là Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục