Nhiều đoạn cao tốc Bắc-Nam đang chuẩn bị được đấu thầu

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật xung quanh dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Nhiều đoạn cao tốc Bắc-Nam đang chuẩn bị được đấu thầu ảnh 1(Ảnh minh họa: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn về cơ chế chính sách của dự án.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục để đấu thầu dự án và thực hiện giải phóng mặt bằng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật xung quanh vấn đề này.

- Hiện nay, việc chuẩn bị triển khai dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông dài 654km có 3 dự án sử dụng 100% vốn trái phiếu Chính phủ (Ngân sách nhà nước) và 8 dự án BOT. Các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước gồm: dự án Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15km); dự án Cam Lộ-La Sơn (dài 102km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Theo dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt hai dự án Cao Bồ-Mai Sơn và Cam Lộ-La Sơn trong tháng 6. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trong tháng 9 tới.

Đối với 8 dự án BOT, trong đó các dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63km), dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43km) và dự án Phan Thiết-Dầu Giây (dài 98km) sẽ được phê duyệt trong tháng 6.

Các dự án còn lại là dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50km), dự án Diễn Châu-Bãi Vọt (dài 50km), dự án Nha Trang-Cam Lộ (dài 29km), dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dài 91km), dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 106km) sẽ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án trong tháng 7.

Về cơ bản, đầu tháng 9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đấu thầu đối với một số dự án đủ điều kiện theo luật định. Sau khi thực hiện xong các thủ tục đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu cuối năm 2019 sẽ tổ chức thi công đồng loạt.

Mục tiêu là hoàn thành cơ bản dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào năm 2021 theo đúng Nghị Quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội đã đề ra.

[Ký hợp đồng tài trợ 6.800 tỷ đồng xây cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận]

- Để dự án cao tốc Bắc-Nam được thực hiện một cách thuận lợi đảm bảo sự minh bạch, hạn chế các bất cập dự án giao thông hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có những giải pháp nào?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong quá trình chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) cho dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, các ban quản lý dự án của Bộ cần rút kinh nghiệm qua những bất cập trong quá trình thực hiện Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước đó, đặc biệt là các dự án BOT.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án phải bám sát 108 kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng đối với từng dự án để quá trình tổ chức thiết kế thận trọng hơn, phù hợp thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị của Bộ phải phối hợp chặt chẽ với từng địa phương, thậm chí đối với từng xã, huyện nơi có dự án đi qua để rà soát các hạng mục liên quan trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, các khu vực thường xuyên bị ngập lụt sẽ được nghiên cứu kỹ hơn để đơn vị thiết kế đưa ra các giải pháp phù hợp nhất.

- Lâu nay giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm tiến độ gây lãng phí tiền, vậy Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý vấn đề này như thế nào tại cao tốc Bắc-Nam sắp tới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Sau khi làm xong giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện cắm mốc giải phóng mặt bằng.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức giải phóng mặt bằng trong năm 2018 và cố gắng đặt mục tiêu cuối năm 2019 có mặt bằng sạch để tổ chức thi công đồng loạt.

Để làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ giải phóng mặt bằng để không làm lỡ thi công.

Có một điều thuận lợi đó là các nguồn tiền dành cho giải phóng mặt bằng từ ngân sách nhà nước, nên địa phương sẽ không khó khăn về vốn để chi trả giải phóng mặt bằng cho người dân. Do đó, địa phương sẽ không thể lấy lý do thiếu tiền để đổ lỗi cho việc chậm giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai và Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đã quy định, tiểu dự án giải phóng mặt bằng sẽ do các địa phương nơi có dự án đi qua làm chủ đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các ban quản lý dự án của Bộ phải kết hợp chặt chẽ với địa phương trong giải phóng mặt bằng; cùng với địa phương xử lý nhanh các vấn đề phát sinh trong quá trình này.

- Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc nâng điều kiện vốn chủ sở hữu lên 20% khi tham gia đấu thầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng đánh giá về ý kiến này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã đưa ra những cơ chế cụ thể, đặc biệt là về cơ chế tài chính. Vốn chủ sở hữu được nâng lên 20% với mục đích tìm ra những nhà đầu tư thực sự có năng lực về tài chính.

Trước đây, kết luận thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra một số dự án chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu dẫn đến những bất cập trong quá trình triển khai dự án.

Dự án cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm Quốc gia, là dự án lớn nên cần phải có những nhà đầu tư thực sự mạnh mới đủ sức đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án.

- Đã có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, vậy Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng như thế nào về các nhà đầu tư nước ngoài?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Đối với nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta đã có hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện hồ sơ PPP (hợp tác công tư) trong dự án Phan Thiết -Dầu Giây. Dự án này mặc dù đã có sự chuẩn bị 10 năm nay nhưng không triển khai được.

Yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đặt ra rất cao và nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi sự bảo trợ của Nhà nước rất lớn, đặc biệt họ yêu cầu bảo trợ tỷ giá, bảo trợ doanh thu. Những điều kiện trên hiện chưa có Luật Đối tác công tư (PPP) để điều chỉnh. Do đó, các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện chưa thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư nước ngoài nào chấp nhận những điều kiện hiện tại hoàn toàn có thể tham gia đầu tư vào các dự án cao tốc đang được kêu gọi đầu tư hiện nay. Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án cao tốc của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục