Những biến động khó lường trên chính trường Malaysia

Chính trường Malaysia đang đối mặt với nhiều biến động lớn sau khi Liên minh Hy vọng cầm quyền (PH) tan rã, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong hai năm qua.
Những biến động khó lường trên chính trường Malaysia ảnh 1Quốc kỳ Malaysia. (Ảnh: Star)

Chính trường Malaysia đang đối mặt với nhiều biến động lớn sau khi Liên minh Hy vọng cầm quyền (PH) tan rã. Những diễn biến sau đó đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Malaysia chưa đầy 2 năm sau khi liên minh cầm quyền của ông Mahathir giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi giữa năm 2018.

Biến động trên chính trường

Còn nhớ cách đây gần 2 năm, trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018, Liên minh Hy vọng (PH) đã giành chiến thắng bất ngờ trước liên minh Mặt trận Quốc gia cầm quyền (BN) của cựu Thủ tướng Najib Razak, khi đó đang chịu nhiều bê bối tham nhũng.

Liên minh PH là sự hợp tác của một số đảng chính trị Malaysia gồm đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (Bersatu) do ông Mahathir sáng lập và lãnh đạo từ tháng 9-2016; đảng Công lý Nhân dân (PKR) với lãnh đạo đảng là ông Anwar Ibrahim nhưng khi đó đang phải ngồi tù vì bị cáo buộc quan hệ tình dục đồng giới; đảng Hành động Dân chủ (DAP); đảng Amanah.

Trong liên minh PH, nổi lên là hai đảng Bersatu và PKR. Trước khi bắt tay nhau trong cuộc bầu cử này, ông Anwar Ibrahim và ông Mahathir Mohamad đã có hàng thập kỷ đối đầu. Nhưng vào thời điểm bầu cử, hai ông này đã nhất trí “gác lại quá khứ” để hợp sức đánh bại liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) của Thủ tướng Najib Razak vốn đã cầm quyền suốt 60 năm kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957.

Theo thỏa thuận trước bầu cử, ông Mahathir đã hứa hẹn sau khi đắc cử sẽ làm mọi cách để ông Anwar sau khi ra tù sẽ có được lệnh ân xá từ Hoàng gia Malaysia để tham gia chính trị, mở đường cho việc kế nhiệm ông Mahathir trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên thực tế, lời hứa chuyển giao quyền lực trên đã hai lần bị ông Mahathir trì hoãn.

Gần đây nhất, trước áp lực ấn định ngày chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim, vào ngày 21-2-2020, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed tuyên bố ông sẽ không từ chức trong tháng 5 tới (thời điểm kết thúc 2 năm cầm quyền).

Ông cho rằng việc chuyển giao chức vụ thủ tướng chỉ được tiến hành sau khi Malaysia hoàn tất việc chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới. Và ông cũng nhấn mạnh rằng chưa có mốc thời gian chính xác nào cho việc chuyển giao chức vụ đồng thời nói rõ việc bàn giao chức vụ sẽ "tùy thuộc vào tôi." Thậm chí ông cho biết có thể sẽ tiếp tục nắm quyền.

Các diễn biến dồn dập trên chính trường Malaysia đã diễn ra sau đó.

Ngày 23/2, ông Anwar Ibrahim, 72 tuổi, hiện là Chủ tịch đảng PKR, người được xem là "người kế vị" của ông Mahathir đã cáo buộc Thủ tướng Malaysia đã không tuân thủ lời hứa chuyển giao quyền lực.

Ngày 24/2, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah, đồng thời ông Mahathir cũng từ chức Chủ tịch đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (Bersatu). Cùng với đó, đảng Bersatu cũng tuyên bố rút khỏi Liên minh Hy vọng cầm quyền (PH) để ủng hộ Thủ tướng.

Sau đó, Quốc vương đã phê chuẩn đơn từ chức của ông Mahathir, đồng thời chỉ định ông tiếp tục làm Thủ tướng tạm quyền trong thời gian chờ bổ nhiệm Thủ tướng mới.

Cũng theo đề nghị của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Quốc vương Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah cũng tuyên bố giải tán Chính phủ được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Như vậy, ông Mahathir Mohamad sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ Malaysia tới khi quốc gia này có Thủ tướng và Chính phủ mới.

Quyết định từ chức Thủ tướng và chủ tịch đảng Bersatu của ông Mahathir được cho là một bất ngờ, bởi trước đó đảng Bersatu của ông đã lên kế hoạch thành lập một liên minh cầm quyền mới thay thế cho Liên minh Hy vọng (PH).

Một số thông tin đồn đoán thì cho rằng, liên minh mới có thể sẽ bao gồm đảng Bersatu, một phần của đảng Công lý Nhân dân (PKR) gồm các nghị sỹ ủng hộ Phó Chủ tịch Azmin Ali, đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMO), đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).

Các đảng còn lại trong Liên minh PH gồm đảng Hành động Dân chủ (DAP), đảng Amanah và một phần của PKR với các nghị sỹ ủng hộ Chủ tịch Anwar Ibrahim, sẽ không có mặt trong liên minh mới. Động thái này được cho là nhằm loại bỏ Chủ tịch PKR Anwar Ibrahim khỏi chính phủ liên minh.

Bộc lộ những rạn nứt

Thực tế, mối quan hệ phức tạp giữa ông Anwar Ibrahim và Mahathir Mohammad, từ bạn đến đối thủ rồi lại thành đồng minh, đã chi phối diện mạo chính trị Malaysia trong hơn 3 thập niên qua.

Ông Mahathir (95 tuổi) đã từng là Thủ tướng thứ 4 của Malaysia từ năm 1981-2003, khi ông là lãnh đạo đảng Tổ chức Dân tộc Malay thống nhất (UMNO). Ông rời UMNO năm 2016, sau đó thành lập đảng Bersatu trong vào tháng 9-2016 và đảm nhận vai trò lãnh đạo đảng này.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5/2018, ông Mahathir quay trở lại làm Thủ tướng Malaysia lần thứ hai. Lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia chưa thoát khỏi những khó khăn do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại giữa các nước, thêm vào đó là đời sống khó khăn do giá cả sinh hoạt leo thang, trong khi chính phủ tiền nhiệm thực thi một số chính sách không hợp lòng dân.

Khi lên cầm quyền, Thủ tướng Mahathir Mohammad đã cam kết trong vòng 5 năm sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ.

Ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên, chính phủ của ông Mahathir đã thực hiện 10 lời hứa, và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), loại thuế 6% đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ và là tâm điểm chỉ trích của tuyệt đại đa số cử tri Malaysia đối với chính phủ tiền nhiệm dưới thời của Thủ tướng Najib Razak. 

[Thủ tướng tạm quyền Malaysia Mahathir Mohamad xin lỗi người dân]

Ngoài ra, Thủ tướng Mohammad còn chủ trương thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu…

Những biến động khó lường trên chính trường Malaysia ảnh 2Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ của Thủ tướng Mohammad đã tích cực thực hiện các chính sách hiệu quả cao, minh bạch và giải trình trách nhiệm (CAT) trong lĩnh vực quản trị; áp dụng nhiều biện pháp để cải cách và hoàn thiện cơ cấu nhằm lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền. Chính phủ Mahathir cũng đã đưa ra Tầm nhìn Thịnh vượng chung 2030 nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng môi trường kinh doanh tốt đẹp và giảm gánh nặng sinh hoạt cho người dân.

Theo các nhà phân tích, với một quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, việc đạt được mức tăng trưởng GDP 5,02% trong năm 2019 quả thực không dễ dàng và đáng để khen ngợi. Ông Mahathir được ghi nhận đã giúp Malaysia trở thành một quốc gia phát triển về thương mại và kinh tế ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có một thực tế là bên cạnh những thành tựu được ghi nhận, Liên minh Hy vọng (PH) trong hai năm qua cũng bộc lộ nhiều rạn nứt.

Hiện nay, trong 32 triệu người Malaysia, có 69% là người Malay, 24% là người gốc Hoa và 7% là người Ấn.

Tương tự, trong Liên minh PH, đảng Bersatu, tách ra từ đảng Tổ chức Dân tộc Malay thống nhất (UMNO) và do ông Mahathir lãnh đạo chủ trương bảo vệ và thúc đẩy địa vị của người Malay về kinh tế; đảng Hành động Dân chủ (DAP) đại diện cho lợi ích của người Hoa; đảng Công lý Nhân dân (PKR) theo đuổi chính sách đa văn hóa; còn đảng Amanah muốn bảo vệ quyền cho người Hồi giáo.

Việc liên minh cầm quyền đa dạng về sắc tộc đã tạo điều kiện cho ông Mahathir giành phiếu từ nhiều nhóm cử tri khác nhau, song cũng khiến ông đau đầu khi cố gắng dung hòa sự khác biệt. Và những rạn nứt khiến PH tan rã thì đã rõ.

Các nhà phân tích cho rằng, những diễn biến trên chính trường Malaysia gần đây cũng đã bộc lộ rõ những rạn nứt trong quan hệ giữa các chính đảng. Chừng nào những rạn nứt chưa thể được giải quyết, chừng đó những mâu thuẫn cá nhân, tập thể sẽ tiếp tục là đám mây đen, sẵn sàng nhấn chìm sự ổn định chính trị-kinh tế ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong bối cảnh đó, Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah trong hai ngày 25 và 26-2 đã tổ chức tham vấn riêng rẽ tất cả 221 thành viên Hạ viện nước này, trừ Thủ tướng tạm quyền Mahathir Mohamad, nhằm xác định nghị sỹ nào nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Hạ viện để có thể trở thành tân Thủ tướng.

Theo quy định của Hiến pháp Malaysia, trong một số trường hợp có sự thay đổi, Quốc vương có thể thực thi quyền chỉ định Thủ tướng mới với nhiệm vụ cố vấn cho Quốc vương trong quản lý, điều hành, lãnh đạo đất nước. Ứng cử viên này phải là Hạ nghị sỹ, không phải người nhập quốc tịch và quan trọng hơn là Quốc vương phải nhận thấy ứng cử viên này nhận được sự ủng hộ của ít nhất 112 Hạ nghị sỹ.

Chưa rõ ai sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ Hạ viện xong các đảng phái chính trị đến nay đều cam kết rằng những biến động trên chính trường Malaysia hiện nay sẽ không được phép có tác động tới ổn định kinh tế-xã hội. Hiện dư luận vẫn đánh giá cao ông Mahathir, coi ông là chất “kết dính” và là nơi gửi gắm niềm tin của các bên, cũng như của người dân.

Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ sau khi từ chức, ngày 26/2, Thủ tướng tạm quyền Malaysia Mahathir Mohamad đã bày tỏ xin lỗi vì quyết định từ chức của ông khiến chính trường Malaysia rơi vào rối ren, nhưng ông cũng sẵn sàng trở lại vị trí Thủ tướng nếu được ủng hộ.

Ông Mohamad cho rằng đây là lúc phải đặt các đảng phái chính trị sang một bên, và nếu được phép, ông sẽ cố gắng thành lập một chính phủ đoàn kết, vì lợi ích toàn dân và không thiên về một đảng phái chính trị nào. Trong khi đó, Chủ tịch đảng PKR Anwar Ibrahim ngày 26/2 cũng cho biết ba chính đảng trong Liên minh Hy vọng (PH)-liên minh cầm quyền cũ-đã đề cử ông làm ứng cử viên thủ tướng của liên minh này.

Những diễn biến trên báo hiệu việc thành lập một liên minh cầm quyền mới là không hề dễ dàng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục