Nỗi lo thu ngân sách cuối năm: Cần có kịch bản cho từng trường hợp

Dự báo trong những tháng tới, việc thực hiện giãn, hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, chưa kể diễn biến dịch COVID-19 có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Nỗi lo thu ngân sách cuối năm: Cần có kịch bản cho từng trường hợp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những tháng đầu năm nay, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song thu ngân sách nhà nước vẫn tăng khá.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để ngành tài chính có thể đạt được mục tiêu thực hiện nhiệm vụ kép - vừa thu ngân sách đạt dự toán, vừa đảm bảo nguồn cho phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước 5 tháng, Bộ Tài chính ước thực hiện thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 745.000 tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020 và xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.

Trong số đó, thu nội địa ước đạt 53,5% dự toán, tăng 8,4%; thu từ dầu thô ước đạt 83,9%, giảm 8,8%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 66,1% dự toán, tăng 30,7% so cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một số khoản thu tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã thực hiện trong phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 phát huy hiệu quả tích cực.

Cùng với đó, một số ngành, lĩnh vực, như sản xuất bia, sản xuất, lắp ráp ôtô, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, bất động sản... tăng trưởng mạnh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, số tăng thu ngân sách đạt được trong nửa đầu năm lại không phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu ở những nguồn thu không bền vững khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 5 tháng đầu năm, thu nội địa đạt 575.677 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, nếu loại trừ những khoản tăng thu bất thường, đột biến trong 5 tháng đầu năm thì tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý chỉ còn tăng 5,3%.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết số thu nội địa trong 5 tháng đầu năm tăng khá chủ yếu do một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2020 và một số ngành tăng trưởng nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; sản xuất, lắp ráp ôtô...

Ngoài ra, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và kết quả thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 chưa sát với thực tế. Nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý 4/2020 đến tháng 4/2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán, dù góp phần tăng thu ngân sách nhà nước nhưng cũng cho thấy kết quả này chưa phản ánh đúng mức dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao, tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế có khả năng thu vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận  dù số thu ngân sách những tháng đầu năm đã đạt trên 50% nhưng dự báo trong những tháng tới, việc thực hiện giãn, hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, chưa kể diễn biến dịch COVID-19 có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do đó, cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ, phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

[Tỉnh Bắc Giang xây dựng 3 phương án linh hoạt thu ngân sách]

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần lưu ý dư địa cho sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm để kích thích, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế với kịch bản cao như năm trước.

Ngành tài chính cân đối chính sách tài khóa trên diện rộng, phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ hết sức chặt chẽ, linh hoạt để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát đang rập rình quay trở lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như dịch vụ điện tử, Facebook, Google, Grab... Thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu điện tử để chống mua bán hóa đơn, bỏ lọt nguồn thu, hoàn thuế không đúng...

Ngoài ra, cần hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. 

Cùng với đó, Bộ trưởng lưu ý cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; tăng cường chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại..., lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục