Ngày 6/10, Tổng thống Peru Ollanta Humala khẳng định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 nước thành viên sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia Nam Mỹ phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Humala cho rằng TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa sản xuất, từ đó giúp các nước phát triển bền vững.
Ông cũng đánh giá cao vai trò của các chuyên gia Peru tham gia đàm phán TPP để bảo vệ quyền lợi quốc gia và các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của nước này như hải sản, nông phẩm, bông... sẽ càng có cơ hội để tiếp cận một thị trường tiêu dùng khổng lồ với 800 triệu dân và chiếm 40% kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Lima (CCL) Jorge von Wedemeyer khẳng định TPP sẽ góp phần thúc đẩy Peru mở cửa thị trường nhiều hơn nữa với bên ngoài, tạo thêm công ăn việc làm và giảm đói nghèo.
Ông bày tỏ hy vọng từng điều khoản của TPP sẽ tôn trọng lập trường quốc gia và nhấn mạnh Quốc hội sẽ phải thông qua thỏa thuận này sau khi Tổng thống ký.
Bà Silvia Hooker, giám đốc phụ trách ngoại thương của Hiệp hội công nghiệp quốc gia Peru bày tỏ với TPP các sản phẩm của nước này có cơ hội thâm nhập các thị trường mà Lima chưa có thỏa thuận thương mại như Australia và New Zealand.
Trong khi đó, dư luận Brazil bày tỏ lo ngại về việc TPP sẽ khiến nền kinh tế số một Mỹ Latinh thiệt hại hàng tỷ USD và các sản phẩm lắp ráp của nước này sẽ bị mất thị trường.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn phát biểu của giáo sư Flavio Carneiro, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế ứng dụng (IPEA) của Brazil, khẳng định TPP sẽ hạn chế khả năng hội nhập kinh tế song phương cũng như khu vực của nước Nam Mỹ và nguy cơ lớn nhất đó là các sản phẩm lắp ráp sẽ bị mất thị trường tại 12 nước thành viên tham gia hiệp định.
Ông Carneiro nhận định Brazil, quốc gia sống chủ yếu bằng xuất khẩu nguyên liệu thô, cần đa dạng hóa xuất khẩu và mở rộng thị trường hướng tới tăng trưởng dài hạn, trong trường hợp nước Nam Mỹ không tích hợp với bất kỳ tổ chức hội nhập thương mại lớn nào, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Theo tờ O'Globo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lắp ráp của Brazil đến các quốc gia TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam hiện đạt 31 tỷ USD.
Brazil hiện tham gia Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cùng với Venezuela, Argentina, Uruguay và Paraguay, tuy nhiên thị trường các nước này không đủ lớn để có thể bù đắp lại những thiệt hại kinh tế do tác động của TPP.
Tổng thống Dilma Rousseff đã nỗ lực thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mercosur và Liên minh châu Âu (EU) với mục đích mở rộng thị trường tuy nhiên Argentina và Venezuela không mặn mà với ý tưởng này.
Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam là 12 quốc gia thành viên của TPP. Chile, Mexico và Peru là 3 quốc gia Mỹ Latinh tham gia hiệp định này./.