Quan điểm của Ấn Độ về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an LHQ

Trong khi mối quan tâm hàng đầu vẫn ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ còn tăng cường tập trung vào Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn theo cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn.”
Quan điểm của Ấn Độ về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an LHQ ảnh 1Một cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương. (Nguồn: jagranjosh.com)

Trang Khabarhub.com mới đây đăng bài viết của hai giáo sư Astha Chadha và Yoichiro Sato làm việc tại Đại học Ritsumeikan châu Á-Thái Bình Dương, trong đó đề cập đến khuôn khổ toàn diện của Ấn Độ về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nội dung như sau:

Cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/8 đánh dấu một thời điểm lịch sử đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người trở thành nhà lãnh đạo Ấn Độ đầu tiên giữ chức Chủ tịch cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với 15 nguyên thủ và đại diện các quốc gia trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Mexico, Việt Nam, Kenya, Congo…

Với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào tháng Tám tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ đã tiến hành cuộc thảo luận không chỉ xoay quanh các mối đe dọa chính đối với an ninh hàng hải mà còn thúc đẩy xây dựng một khuôn khổ được các nước chấp nhận cho sự hợp tác và phát triển hàng hải chung với tiêu đề “Tăng cường an ninh hàng hải - một lĩnh vực phục vụ hợp tác quốc tế."

Nhóm Bộ tứ và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Cuộc thảo luận về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị phủ bóng bởi hai chủ đề tranh luận chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: tranh chấp trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, và vai trò của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ).

Hai trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong khu vực là chính sách "Hành động hướng Đông" và Sáng kiến “An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương” (SAGAR), theo đó New Delhi đã tìm cách tăng cường hợp tác thương mại, an ninh hàng hải và quốc phòng với các quốc gia cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi mối quan tâm hàng đầu vẫn ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ còn tăng cường tập trung vào Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn theo cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” - động thái bị Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam phản đối.

Mặt khác, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở khu vực mà Bắc Kinh đã triển khai hệ thống vũ khí và xây dựng các đảo nhân tạo.

Trong khi đó, việc các thành viên trong nhóm Bộ Tứ cũng như các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức và Anh tăng cường hiện diện hải quân đã biến khu vực này nổi lên thành một điểm nóng có nguy cơ nổ ra cho một cuộc tranh chấp quy mô lớn.

[Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh hàng hải]

Cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy những bất đồng về khái niệm và phạm vi của các thuật ngữ như “an ninh hàng hải” và “tự do hàng hải” cũng như các khía cạnh của rủi ro phát sinh từ những nỗ lực không phối hợp nhằm đạt được chúng. Bắc Kinh tuyên bố rằng trong lúc họ coi sự hiện diện của các quốc gia như Mỹ ở Biển Đông là “sự xâm lấn”, đồng thời cũng coi Bộ Tứ là một chiến lược khu vực “độc quyền” ở “khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và là lý do dẫn đến leo thang tranh chấp hàng hải.

Tuy nhiên, việc cân nhắc về sự cần thiết của các sáng kiến hàng hải nhằm tăng cường phối hợp toàn cầu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là điểm khởi đầu hướng tới việc xác định và gắn kết các lợi ích chung trên biển.

Cuộc tranh luận cũng là sự tái khẳng định tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tự do hàng hải, tức là quyền tiếp cận các vùng biển tự do, không độc quyền và không bị cản trở đối với tất cả các quốc gia - vào thời điểm mà Hải quân Ấn Độ đang triển khai thường xuyên các tàu được chế tạo bằng công nghệ bản địa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ có thể dẫn dắt bằng ví dụ thực tế

Ấn Độ đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp thông qua việc chấp nhận và tuân thủ các cơ chế hiện có của Liên hợp quốc. Luật pháp quốc tế chỉ có thể duy trì ý nghĩa chừng nào nó được tất cả các quốc gia tôn trọng - điều được một số quốc gia nhiều lần nhấn mạnh tại cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một đề xuất khác của Ấn Độ về một khuôn khổ hợp tác và phát triển hàng hải chung có thể chấp nhận được là việc mở rộng các khoản vay hoặc viện trợ toàn cầu cho cơ sở hạ tầng phát triển.

Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh rõ ràng sự cần thiết của kết nối hàng hải thông qua tài trợ có trách nhiệm cho cơ sở hạ tầng cần thiết để tăng cường thương mại hàng hải. Ấn Độ không phải là nước cung cấp viện trợ lớn, nhưng với tư cách là nước nhận viện trợ lớn, việc nước này từ chối tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc là tương đồng với thái độ nghi ngờ của các thành viên khác trong nhóm Bộ Tứ về viện trợ của Bắc Kinh.

Việc New Delhi tập trung vào chất lượng ngụ ý rằng hiện có những chương trình nghị sự ẩn đằng sau các khoản vay cơ sở hạ tầng BRI của Trung Quốc, như việc Trung Quốc hoán đổi khoản nợ Sri Lanka bằng hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm.

Việc Ấn Độ thúc đẩy các quy chuẩn và tiêu chuẩn phổ quát để đảm bảo tính khả thi về tài chính và tính bền vững kinh tế của các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng cho các nước nhận đầu tư là kịp thời trong bối cảnh các cuộc tranh cãi đang gia tăng về phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Ấn Độ chủ trì chỉ là bước đầu tiên hướng tới hành động chung về an ninh hàng hải, nhưng tầm quan trọng của Tuyên bố của Chủ tịch là không thể phủ nhận bởi nó đã tái khẳng định luật pháp quốc tế, theo đó “đặt ra khuôn khổ pháp lý áp dụng đối với các hoạt động trên đại dương, bao gồm chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển” cũng như kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực hiện “Bộ luật an ninh bến cảng và tàu biển quốc tế và Chương XI điểm 2 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển."

Cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Ấn Độ dẫn dắt mở rộng phạm vi thảo luận về an ninh của các vùng biển và đại dương ra ngoài các cuộc thảo luận truyền thống liên quan đến chống cướp biển trước đây, để giải quyết toàn diện hơn các vấn đề an ninh hàng hải, bao gồm các khía cạnh kết nối, cơ sở hạ tầng, tài nguyên biển và sử dụng biển cho hành động khủng bố - một vấn đề mà Ấn Độ đã phải đối phó trong cuộc tấn công khủng bố Mumbai năm 2008, nơi những kẻ tấn công di chuyển từ Pakistan đến Mumbai thông qua đường biển.

Việc Ấn Độ khéo léo khai thác thảo luận về các quy chuẩn hàng hải chung thông qua tầm nhìn SAGAR, đồng thời giải quyết các thách thức khu vực cụ thể bao gồm chống khủng bố đã mở ra một con đường để tận dụng nền tảng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các cuộc tranh luận về các vấn đề hàng hải lớn hơn cũng như huy động phản ứng tập thể của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo an ninh hàng hải toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục