Quân đội Fiji tuyên bố không can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 14/12

Kết quả bầu cử, dự kiến được Văn phòng Bầu cử Fiji công bố trong ngày 18/12, nhiều khả năng sẽ là sự rượt đuổi sít sao giữa hai nhà cựu lãnh đạo đảo chính.
Quân đội Fiji tuyên bố không can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 14/12 ảnh 1Cuộc bỏ phiếu hôm 14/12 là cuộc bầu cử dân chủ thứ ba ở Fiji kể từ khi Bainimarama, người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2006, đưa ra hiến pháp mới vào năm 2013 (Nguồn: AFP)

Tư lệnh quân đội Fiji Ro Jone Kalouniwai ngày 16/12 tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này sẽ không can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 14/12 vừa qua, sau khi lãnh đạo phe đối lập Liên minh Nhân dân lên tiếng bày tỏ quan ngại về công tác kiểm phiếu.

Hôm 15/12, đảng Liên minh Nhân dân đã gửi thư cho ông Kalouniwai, trong đó bày tỏ nhiều lo ngại đối với quy trình bầu cử.

Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình FBC ngày 16/12, Tư lệnh quân đội Fiji khẳng định sự tin tưởng đối với quy trình này và nhấn mạnh: “Tôi mong muốn tái đảm bảo với nhân dân Fiji rằng RFMF (Các lực lượng vũ trang Fiji) sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi của ông Rabuka hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào về sự can dự của chúng tôi.”

[Fiji áp dụng quy định "không tiêm vaccine COVID-19, không việc làm"]

Trong khi đó, các quan sát viên quốc tế khẳng định không nhận thấy bất kỳ vấn đề bất thường nào liên quan bầu cử, đồng thời nhấn mạnh trục trặc ban đầu liên quan đến ứng dụng cập nhật kết quả đã được khắc phục.

Kết quả bầu cử, dự kiến được Văn phòng Bầu cử Fiji công bố trong ngày 18/12, nhiều khả năng sẽ là sự rượt đuổi sít sao giữa hai nhà cựu lãnh đạo đảo chính.

Tính đến 22h ngày 16/12 (theo giờ địa phương), sau khi kiểm đếm 560 trong tổng số 2.071 hòm phiếu, đảng Fiji Trên hết của Thủ tướng Frank Bainimarama đang dẫn trước với 38,72% phiếu bầu, chênh lệch không đáng kể so với tỷ lệ 38,45% của đảng Liên minh Nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính trị gia đối lập Sitiveni Rabuka.

Fiji, quốc đảo Thái Bình Dương với dân số 900.000 người, đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự trong lịch sử trước khi tiến hành cải cách hiến pháp năm 2013 nhằm xóa bỏ hệ thống bầu cử dựa theo sắc tộc vốn ưu ái người Fiji bản địa so với cộng đồng gốc Ấn Độ khá đông đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục