Siết chặt an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ

Thông tư quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trong ngành nông nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2015.
Siết chặt an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ảnh 1Người tiêu dùng mua thực phẩm tại các chợ lẻ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. 

Thông tư này quy định rõ về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Bao gồm các cơ sở giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học…; các cơ sở sản xuất trồng trọt, thu hái, chăn nuôi, đánh bắt.

Cụ thể, nội dung Thông tư quy định rõ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở trồng trọt nhỏ lẻ như: Địa điểm sản xuất không nằm trong vùng bị cảnh báo ô nhiễm; nguồn nước tưới không ảnh hưởng đến an toàn sản phẩm; không sử dụng nước bị ô nhiễm, nước thải để rửa, sơ chế sản phẩm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách; tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc.

Đối với cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cần có chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng theo quy định. Bên cạnh đó,  thức ăn và nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo không gây độc hại cho vật nuôi và người sử dụng sản phẩm động vật.

Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ cần phải bảo đảm các điều kiện về địa điểm, nguồn nước để nuôi trồng thủy sản an toàn thực phẩm, sử dụng giống thủy sản khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; đặc biệt không sử dụng chất thải của động vật và con người để nuôi thủy sản.

Nước ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường xung quanh nếu thủy sản bị bệnh trong quá trình nuôi. Mặt khác, thủy sản nuôi khi thu hoạch phải được bảo quản , vận chuyển đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đối với cơ sở thu hái, đánh bắt, khai thác nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, sản phẩm thu hái, đánh bắt, khai thác phải được bảo quản phù hợp với tính chất của từng loại sản phẩm: tươi, sống, sơ chế, đông lạnh, sản phẩm khô. Trường hợp có sử dụng phụ gia, hóa chất trong bảo quản, xử lý sản phẩm phải theo đúng hướng dẫn loại dùng cho thực phẩm, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Còn về phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, Thông tư cũng quy định các cơ quan được phân công quản lý phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn và tỏ chức cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Thời hạn ký cam kết 3 năm/lần.

Việc kiểm tra sẽ được các cơ quan phân công quản lý tiến hành hằng năm hoặc kiểm tra đột xuất. Nếu có vi phạm, đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần đầu sẽ bị phạt nhắc nhở, lần hai sẽ bị công khai cơ sở vi phạm và vi phạm từ lần ba trở đi tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy phạm pháp luật hiện hành.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 10/2/2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục