Số liệu thống kê chính xác giúp định hướng, ban hành chính sách

Nhân ngày “Ngày Thống kê Việt Nam,” phóng viên có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh công tác thống kê để có những số liệu thống kê chính xác giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Số liệu thống kê chính xác giúp định hướng, ban hành chính sách ảnh 1Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Số liệu thống kê chính xác giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước định hướng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm điều hành kinh tế-xã hội được tốt hơn, thúc đầy kinh tế-xã hội phát triển; đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Để ghi nhận và tôn vinh đóng góp quan trọng của Thống kê Việt Nam vào sự phát triển đất nước, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 510/QĐ-TTg lấy ngày 6/5 hằng năm là "Ngày Thống kê Việt Nam."

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa ngày “Ngày Thống kê Việt Nam,” phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Thưa bà, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lấy ngày 6/5 hàng năm là "Ngày Thống kê Việt Nam." Xin bà cho biết ý nghĩa của “Ngày Thống kê Việt Nam”?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quá trình 75 năm, Thống kê Việt Nam luôn khẳng định được sứ mệnh, vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê kinh tế-xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Công tác thống kê luôn khẳng định là một ngành khoa học, chuyên môn, chuyên sâu để phản ánh tất cả các hoạt động trong bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động thống kê liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực như kinh tế, xã hội, sinh học, y học, khí tượng thủy văn….

Cùng với đó, số liệu thống kê còn tăng cường nhận thức, đồng hành và gắn kết giữa người cung cấp thông tin, người sản xuất thông tin và người sử dụng thông tin thống kê nhằm sản xuất thông tin thống kê nhanh nhất, chính xác nhất đáp ứng kịp thời tất cả nhu cầu sử dụng thông tin thống kê.

Không những thế, Thống kê Việt Nam luôn chủ động, thích ứng và hội nhập quốc tế. Công tác thống kê trên thế giới ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, Liên hợp quốc chọn ngày 20/10 là “Ngày Thống kê thế giới” để tôn vinh vai trò và đóng góp của công tác thống kê đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn cầu. Nhiều nước cũng đã lựa chọn một ngày cụ thể là “Ngày Thống kê quốc gia” để khẳng định vai trò, vị thế và ghi nhận đóng góp của hoạt động thống kê đối với sự phát triển của quốc gia.

[Thống kê Việt Nam kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy]

Cụ thể, ngày Thống kê quốc gia của Ấn Độ là 29/6 hằng năm, Indonesia là ngày 26/9 hằng năm, Philippines chọn tháng 10 hằng năm là Tháng Thống kê Quốc gia, Liên minh châu Âu là ngày 20/10 hằng năm và các nước châu Phi là 18/11 hàng năm.

Theo quyết định được ban hành, Ngày Thống kê Việt Nam được tổ chức kỷ niệm vào ngày 6/5 hằng năm trong toàn quốc nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề; đồng thời khích lệ, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ luật pháp, khơi dậy và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động, người làm công tác thống kê trong cả nước.

- Ngành Thống kê là một ngành đặc biệt mang tính khoa học, tính toàn cầu, tính quốc tế và chuẩn mực. Các dữ liệu thống kê về kinh tế-xã hội của những năm trước đó là cơ sở để nghiên cứu, phân tích và dự báo trong tương lai. Xin Bà cho biết tầm quan trọng của số liệu thống kê?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Ngành Thống kê là một ngành có tính hội nhập cao, sự gắn kết và hội nhập trong thống kê giữa các nước được thể hiện qua các chỉ tiêu thống kê, các chỉ tiêu có phương pháp luận được thống nhất trên toàn thế giới. Trên thực tế, để so sánh sự phát triển giữa các quốc gia, phải so sánh cùng một chỉ tiêu; hoặc để phản ánh sự phát triển về kinh tế-xã hội của một khu vực hay của cả thế giới thì phải tính toán dựa trên các chỉ tiêu của các quốc gia thành viên.

Không những thế, ngành thống kê là một ngành khoa học, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dữ liệu như thu thập, phân tích, giải thích, biểu diễn, và tổ chức dữ liệu. Thống kê được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực khoa học khác nhau từ khoa học xã hội đến kinh tế, sinh học, y học, thời tiết hay nông nghiệp…

Thống kê cũng hiện hữu ngay trong đời sống hàng ngày của người dân, từ những hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, từ thành thị đến nông thôn, họ cũng tự thống kê hay ghi nhớ doanh thu cao, doanh thu thấp theo mùa, theo ngày để xác định lượng hàng hóa mua vào, bán ra của các chu kỳ sau cho phù hợp với nhu cầu được ước lượng dựa trên thống kê trước đó nhằm tránh tình trạng dư thừa, gây lỗ vốn... Đặc biệt nghiên cứu thống kê hiện đại giúp ta nắm được nhu cầu không chỉ trong nước mà còn nắm được thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới giúp đẩy mạnh sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Theo đó, tầm quan trọng của dữ liệu đã được tổ chức Thống kê thế giới đưa ra câu khẩu hiệu như “Dữ liệu tốt hơn cuộc sống tốt hơn,, “Không để ai bị bỏ lại phía sau,” “Hãy kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy.” Điều này càng khẳng định số liệu thống kê ngày càng quan trọng và người làm công tác thống kê ngày càng cần được tôn vinh. Số liệu thống kê chính xác giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước định hướng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm điều hành kinh tế-xã hội được tốt hơn, thúc đầy kinh tế-xã hội phát triển.

- Nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê, xin bà cho biết mục tiêu và những giải pháp mà ngành thống kê cần thực hiện trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong điều kiện kinh tế-xã hội trong nước và trên thế giới liên tục thay đổi, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, yêu cầu các quyết sách đưa ra cần kịp thời hơn và phải dựa trên bằng chứng về số liệu thống kê chính xác.

Số liệu thống kê chính xác giúp định hướng, ban hành chính sách ảnh 2Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Những thách thức mới đòi hỏi ngành thống kê phải chủ động đổi mới để thích ứng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ thông minh nhằm rút ngắn quy trình điều tra, tổng hợp, phân tích và dự báo; tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu và chuyển mạnh từ điều tra thống kê sang khai thác từ dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn nhằm cung cấp thông tin thống kê một cách nhanh nhất, chính xác với chi phí ít nhất.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ “Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Theo đó, có 9 nhiệm vụ và giải pháp Tổng cục Thống kê đề ra để thực hiện trong thời gian tới đó là: tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nhân lực có trình độ cao; hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã và các bộ chỉ tiêu thống kê khác để kịp thời phản ánh tình hình kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê sẽ tăng cường chất lượng thông tin thống kê theo hướng xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất thông tin thống kê tiên tiến trên thế giới; tăng cường hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê dựa trên nền tảng số; đẩy nhanh việc tư liệu hóa và chuyển đổi số trong các hoạt động thống kê; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, chuỗi khối... trong công tác thống kê.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê sẽ mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong thống kê; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê và cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Một số mục tiêu cụ thể sẽ được ngành thống kê thực hiện; đó là: đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ phương pháp và cách thức thu thập thông tin thống kê. Cụ thể, tập trung khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính; phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc biên soạn, công bố và cung cấp các chỉ tiêu thống kê: đạt 85% các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030; đồng thời, bảo đảm cung cấp sản phẩm thống kê kịp thời và tăng cường cung cấp dữ liệu thống kê vi mô…

Với những giải pháp đề ra trong Chiến lược, chúng tôi tin tưởng rằng Thống kê Việt Nam sẽ phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng.

Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Xin cám ơn Bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục