Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama

Ông Donald Trump nhậm chức trong bối cảnh hàng trăm cuộc biểu tình phản đối ở trong nước và thế giới, trong khi ông Obama rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ rất cao là sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua.
Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ
Ngày 20/1 theo giờ Mỹ, tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, ông Donald Trump​ đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức, qua đó chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Ngày 20/1, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump​ đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị ông chủ Nhà Trắng, trong đó tân Tổng thống Mỹ đề cao nhân dân Mỹ và chỉ trích giới cầm quyền, đồng thời cam kết thực hiện "nỗ lực quốc gia vĩ đại" để xây dựng lại nước Mỹ.

Ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chính phủ mới của Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây là quyết định sẽ khiến không ít đối tác của Mỹ thất vọng, song không hề gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới này trong ngày đầu tiên cầm quyền tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký sắc lệnh đầu tiên tại phòng Bầu dục, yêu cầu đóng băng các quy định mới và giảm bớt gánh nặng pháp lý liên quan đến Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) hay Obamacare.

Obamacare là một trong những thành tựu của cựu Tổng thống Barack Obama. Đảng Cộng hòa, đang chiếm thế đa số tại lưỡng viện, chưa đưa ra kế hoạch thay thế đạo luật này.

Loại bỏ Obamacare là một trong những ưu tiên hàng đầu của không chỉ phe Cộng hòa mà còn là của ông Trump.

Kể từ năm 2010, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đã thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần với lý do Obamacare cho phép Chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và gây tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động khi tuyển dụng.

Sắc lệnh thứ hai mà Tổng thống Trump ký ngay sau lễ nhậm chức là phê chuẩn ông James Mattis​ làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông John Kelly​ là Bộ trưởng An ninh Nội địa. Hai người này được Thượng viện Mỹ chấp thuận ngày 20/1.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ngày 20/1, ông Donald Trump đã ký quyết định về thay đổi lớn trong chính sách năng lượng và và môi trường, đồng thời thông báo những kế hoạch xóa bỏ chính sách khí hậu và thúc đẩy sự phát triển năng lượng trong nước như một phần trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ là trên hết" của ông.

Ngay sau khi buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, trang web chính thức của Nhà Trắng đã đăng tải những tuyên bố chính sách đầu tiên của chính quyền mới, theo đó ông Trump dự định sẽ "tái xây dựng" quân đội Mỹ, phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa "tân tiến" và ưu tiên tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Ngày 21/1, hơn nửa triệu người đã tràn xuống các con phố ở thành phố Los Angeles của Mỹ để tham gia một cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất trong số hàng trăm cuộc biểu tình diễn ra trên toàn thế giới, nhằm phản đối tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Người phát ngôn cảnh sát Los Angeles Andrew Neiman cho biết họ vẫn đang xác định số lượng người tham gia, tuy nhiên quy mô cuộc biểu tình này chắc chắn lớn hơn cuộc tuần hành ủng hộ người nhập cư hồi năm 2006, với 500.000 người tham gia.

Trong khi đó, những người tổ chức tuần hành ở New York trên mạng xã hội Twitter cũng tuyên bố có nửa triệu người đã xuống đường.

Trước đó, khoảng 200 thành viên của những tổ chức đấu tranh đã tập trung tại 9 cây cầu khác nhau dọc theo sông Thames ở thủ đô London của Anh vào sáng 20/1 để treo các biểu ngữ với các thông điệp như “Xây cầu, không xây tường” và “Đoàn kết chống lại nỗi lo sợ Hồi giáo."

Đây là một trong hành loạt cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều nước châu Á và châu Âu như Nhật Bản, Philippines và Bỉ nhằm phản đối tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.​

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 1Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) đọc lời tuyên thệ tại Washington, DC, ngày 20/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc họp báo cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama
Ngày 18​/1, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama​ đã có cuộc họp báo cuối cùng, khép lại 2 nhiệm kỳ làm người đứng đầu nước Mỹ.

Cuộc họp báo cuối cùng của vị Tổng thống Mỹ thứ 44 đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào năng lực của người dân Mỹ trong việc mang lại sự thay đổi lớn lao cho đất nước.

Tại cuộc họp báo, ông Obama đã khẳng định cam kết đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm với Tổng thống đắc cử Donald Trump và cho biết ông không muốn thấy “những chồng chéo lớn” với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, người từng tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua rằng ông sẽ xóa bỏ một số sắc lệnh của chính quyền tiền nhiệm như Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), hay lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi nước này.

Ông Obama cũng khẳng định sẽ không gia nhập danh sách những chính khách Dân chủ tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump.

Theo ông Obama, “xã hội Mỹ đã thay đổi” và một ngày nào đó “nước Mỹ có thể sẽ có một tổng thống gốc Latinh, một nữ tổng thống hay một tổng thống gốc Do Thái.” 

Kết thúc cuộc họp báo cuối cùng, Tổng thống Obama đã kêu gọi người dân Mỹ tin tưởng ở khả năng thay đổi của mỗi người để khiến nước Mỹ mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn.

Có thể thấy rõ, Tổng thống Obama đã rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ của người dân rất cao, tương đương lúc ông lên nắm quyền cách đây 8 năm.

Theo kết quả thăm dò dư luận do CNN/ORC thực hiện và công bố ngay trong ngày 18​/1, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ cách thức ông Obama điều hành nước Mỹ lên tới 60%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2009.

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 2Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 18/1. AFP/TTXVN
Tai nạn máy bay thảm khốc ở Kyrgyzstan
Ngày 16​/1, một máy bay vận tải của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rơi gần sân bay Manas của Kyrgyzstan.

Vụ tai nạn đã làm ít nhất 37 người, trong đó có 6 trẻ em thiệt mạng, 15 ngôi nhà trong làng Dacha-Suubị hư hại.

Thành viên phi hành đoàn duy nhất trước đó được cho là sống sót đã qua đời trên đường đến bệnh viện vì bị thương quá nặng.

Theo bộ phận quản trị của sân bay Manas, máy bay bị nạn thuộc dòng máy bay Boeing 747 do Mỹ sản xuất mang số hiệu TK649, có lịch trình bay từ Hồng Kông (Trung Quốc) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và hạ cánh tạm nghỉ tại sân bay Manas, gần Thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

Người đứng đầu trung tâm quản lý khủng hoảng tại Bộ Các tình trạng khẩn cấp của Kyrgyzstan, Mukhammed Svarov, cho biết, máy bay rơi khi đang hạ cánh xuống sân bay Manas gần thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do lỗi của phi công khi cố hạ cánh trong điều kiện sương mù dày đặc.

Đến nay, thi thể của 31 nạn nhân xấu số đã được bàn giao cho gia đình các nạn nhân để tổ chức mai táng.

Ngày 17/1, Kyrgyzstan đã tổ chức quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong chiếc máy bay trên.​

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 3Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm hòa bình cho Trung Đông
Ngày 15​/1, tại thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra hội nghị hòa bình Trung Đông do Pháp chủ trì, với sự tham dự của hơn 70 nước, trong đó có các nước chủ chốt ở châu Âu và Arab cùng các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, đại diện của Israel lại không tham gia hội nghị lần này.

Với mong muốn tìm giải pháp cho vấn đề giữa Palestine và Israel, các nước tham gia hội nghị đã khẳng định sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước, đồng thời không công nhận tất cả các hành động đơn phương đe dọa đến giải pháp đàm phán, đặc biệt về vấn đề biên giới và qui chế của Jerusalem.

Những động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của Palestine, tuy nhiên phía Israel lại cho rằng hội nghị tại Paris là "vô ích" và không hiệu quả khi đưa ra yêu cầu đi ngược lợi ích của Israel và có lợi cho Palestine.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn đang giậm chân tại chỗ, các nhà phân tích cho rằng, hội nghị hòa bình Trung Đông do Pháp chủ trì lần này được xem là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu, rằng phần lớn thế giới mong muốn hòa bình và coi giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để đạt được hòa bình trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, đến nay, tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump vẫn luôn tuyên bố ông sẽ theo đuổi chính sách ủng hộ Israel nhiều hơn và dự định di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, động thái này được cho là công nhận thành phố này là thủ đô của Israel bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Và như vậy, giấc mơ về một nền hòa bình vĩnh viễn cho người dân Palestine vẫn còn xa vời.

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 4Khu định cư của người Do Thái ở Pisgat Zeev, Đông Jerusalem ngày 27/9/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
IMF giữ nguyên mức dự báo đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Ngày 16​/1, trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu," Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt mức tăng trưởng 3,4% và sẽ đạt 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10​/2016.

IMF nhận định trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển lại có triển vọng tăng trưởng khả quan hơn, với nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 0,8% trong năm 2017, tăng 0,2% so với báo cáo trước đó, và đạt 0,5% trong năm 2018.

Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng được nâng dự báo tăng trưởng lên lần lượt 2,3% và 2,5% trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, IMF cảnh báo việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng cường các hạn chế đối với thương mại toàn cầu và người nhập cư có thể gây tổn hại đến năng suất lao động và thu nhập, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Đối với Khu vực Đồng tiền chung châu Âu, IMF dự báo mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm tới, tăng 0,1% so với dự báo trước.

Báo cáo của IMF cũng nhận định việc các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến giá dầu phục hồi, qua đó tác động tích cực đến các nước xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Nga.

Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên dự báo đối với nền kinh tế "Xứ sở bạch dương" với mức tăng trưởng lần lượt đạt 1,1% và 1,2% trong năm 2017 và 2018.

Trung Quốc cũng được dự báo là một điểm sáng trong số các nền kinh tế mới nổi khi IMF đã điều chỉnh nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2017 lên 6,5%, tăng 0,3% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10-2016.

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 5Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tòa nhà cao tầng cổ nhất Iran bị sập
Một tòa cao ốc ở Tehran vừa bị đổ sập do một vụ cháy, khiến ít nhất 75 người thiệt mạng, trong đó có 45 lính cứu hỏa, theo Business Insider.

Theo hãng tin Sky News, thảm họa đã xảy ra với tòa nhà Plasco, một công trình kiến trúc biểu tượng ở trung tâm thủ đô Tehran.

Tòa nhà Plasco đã sụp xuống ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, khi một nhà báo đang được phỏng vấn tại hiện trường. Một bên của tòa nhà đã sập xuống trước, rất gần một lính cứu hỏa đang trèo thang và phun nước vào ngọn lửa.

Tòa nhà Plasco là một trong những biểu tượng cao ốc ở Tehran. Tòa nhà cao 17 tầng này được xây dựng hồi đầu những năm 1960 bởi doanh nhân người Do Thái gốc Iran Habib Elghanian và được đặt tên theo tên công ty sản xuất của ông. Nó là tòa nhà cao nhất thành phố tại thời điểm đó.

Tòa tháp này gắn với một trung tâm mua sắm cao tầng có một khoảng giếng trời lớn và nhiều đài phun nước màu ngọc lam. Hiện chưa rõ liệu trung tâm mua sắm này có bị phá hủy trong vụ cháy hay không.

Xem thêm tại đây: Ít nhất 75 người đã thiệt mạng trong vụ sập cao ốc tại Iran

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 6Hàng chục người đã thiệt mạng trong vụ sập nhà ở Iran. (Nguồn: AP)
Khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017
Ngày 17/1, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc tại thành phố Davos ( Thụy Sĩ) với chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm", với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Thụy Sỹ Doris Leuthard nói tại nhiều khu vực trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế và xu hướng này tạo ra nhiều mối quan ngại và thách thức cho sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia.

Sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn WEF 2017 đánh dấu lần đầu tiên quan chức lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia diễn đàn WEF.

Diễn đàn WEF lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) , Ngân hàng Thế giới (WB) , Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) …, lãnh đạo các tập đoàn hay doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị có tổng số 446 phiên họp, ưu tiên tập trung thảo luận tìm giải pháp cho các thách thức mang tính toàn cầu như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đảm bảo tăng trưởng phải bao trùm; làm chủ và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và định hình lại phương hướng và mô hình hợp tác toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề hòa bình, phát triển, các vấn đề nhân đạo, di cư, môi trường ...

Mỹ sẽ có hai đoàn đại biểu đại diện với một bên là Phó Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry, và một bên là nhiều thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 /1, tức là ngày bế mạc Diễn đàn WEF 2017.

Xem thêm tại đây: Vấn đề Brexit làm nóng Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 7(Nguồn: premiumswitzerland.com)
Luxottica "bắt tay" Essilor: Vụ sáp nhập "khủng" tại châu Âu
Hãng sản xuất kính mắt Luxottica của Italy và tập đoàn chuyên sản xuất tròng kính Essilor của Pháp ngày 16/1 đã nhất trí về một thỏa thuận sáp nhập hai công ty này nhằm tạo ra một tập đoàn mới trị giá khoảng 50 tỷ euro, với 140.000 nhân viên và có hệ thống bán hàng ở 150 nước.

Đây là một trong những vụ sáp nhập xuyên biên giới lớn nhất ở châu Âu trong những năm gần đây.

Sau khi được sáp nhập, công ty Delfin của Italy – cổ đông chính của Luxottica – sẽ nắm giữ từ 31-38% số cổ phần trong tập đoàn mới có tên gọi là EssilorLuxottica.

Tập đoàn mới ước tính sẽ có doanh thu lên tới trên 15 tỷ euro căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2015 được hai công ty đăng tải.

Xem thêm tại đây: Luxottica "bắt tay" Essilor: Vụ sáp nhập trị giá tới 50 tỷ euro

Sự kiện quốc tế 16-22/1: Donald Trump và Barack Obama ảnh 8Kính mát Ray Ban, một thương hiệu Luxottica sở hữu, được bày bày tại một cửa hàng ở Hanau, Đức. (Nguồn: Reuters)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục