Tài xế buýt và những nỗi niềm khó nói về nghề 'chiều lòng thiên hạ'

Tài xế buýt: Những nỗi niềm khó nói về nghề 'chiều lòng thiên hạ'

Khi buýt được hoạt động trở lại, có những người khách quen vé tháng vừa bước lên cửa xe đã vồn vã chào bác tài xế, lâu không thấy đi làm là lại hỏi thăm...
Anh Hồ Xuân Phong, lái xe tuyến số 33 thuộc Xí Nghiệp Tân Đạt đang vệ sinh xe sau hành trình đón khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Anh Hồ Xuân Phong, lái xe tuyến số 33 thuộc Xí Nghiệp Tân Đạt đang vệ sinh xe sau hành trình đón khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Người ta bảo cực như lái xe buýt, cứ đi được một đoạn lượn vào nhà chờ rồi lại ra. Không lái xe nào muốn chèn xe khác bởi nếu nhẹ thì lườm, nặng thì ăn chửi thậm chí còn bị hành hung gây gổ đánh lái phụ xe. Người nào nóng tính nhất thì hãy lái xe buýt, không điềm tĩnh cũng trở thành điềm tĩnh,” anh Nguyễn Tiến Thịnh, lái xe buýt tuyến số 31 (lộ trình Đại học Bách Khoa-Đại học Mỏ) thuộc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) tâm sự.

Những lái xe tận tâm với nghề

Bắt đầu tham gia vào đội ngũ tài xế xe buýt từ những năm 2003, có gần 20 năm trong nghề, anh Thịnh nhớ như in trong đầu từng ổ gà hay hố ga của đoạn đường tuyến buýt 31. Mỗi ngày, lái xe buýt có 2 ca làm, nếu làm sáng lái xe phải dậy lúc 3 giờ 30 làm các công tác quy trình giao ca đầu giờ, bàn giao phương tiện đảm bảo xe tốt an toàn ra tuyến… để 5 giờ xe xuất bến. Làm ca chiều luôn về muộn, thường 1 giờ sáng mới có mặt ở nhà. Những hôm trời mưa gió đi làm vô cùng vất vả.

“Lái xe bus làm việc theo ca, trung bình chạy từ 8-9 tiếng/ngày và được nghỉ 5-10 phút giữa mỗi lượt đi và về để vệ sinh cá nhân, nếu tắc đường thì quãng thời gian 10 phút ngắn ngủi này cũng không có. Vì thế, hành khách đi xe buýt không hiếm gặp cảnh xe lăn bánh, tranh thủ lúc dừng đèn đỏ hoặc ùn tắc, lái xe ăn kiểu gặm bánh mỳ, phụ xe ngồi ở bậc cửa ăn xôi,” anh Thịnh nói.

Cũng chính vì đặc thù công việc, mối tình của anh với vợ cũng chính là trên mỗi chuyến xe buýt bởi bà xã là khách hàng ruột thường ngày. Qua mỗi lần trò chuyện, chị thấu hiểu được nỗi niềm về nghề, sự chịu khó, điềm tĩnh trước áp lực công việc đã gắn kết họ thành đôi lứa.

Có thâm niêm gắn bó 11 năm với nghề tái xế buýt, anh Hồ Xuân Phong, lái xe tuyến 33 (lộ trình bến xe Yên Nghĩa-Xuân Đỉnh) thuộc Xí Nghiệp Tân Đạt thành thật bảo lái xe buýt lắm bữa ăn xong chưa kịp xỉa răng, đến giờ xe xuất bến là phải đi, không được chậm quá 1 phút. Ăn uống khó khăn không phải lúc nào cũng như ý muốn nên “tật” ăn nhanh đã thành thói quen. Mỗi khi về nhà ăn bữa cơm gia đình, vợ con rất hay phàn nàn.

[Những ong thợ chăm sóc ‘sức khỏe’ cho hàng nghìn xe buýt Hà Nội]

Theo anh Phong, phải có tinh thần thép, lòng yêu nghề mới đủ sức trụ lại bởi áp lực về thời gian đã khiến không ít người bỏ nghề do thiếu thốn thời gian chăm sóc gia đình. Đến thời điểm này, nghề lái xe buýt không còn thực sự hấp dẫn đối với người lao động.

“Lái xe buýt phải kiên nhẫn, bình tĩnh, nếu nóng tính thì không biết có chạy nổi được 1 tháng hay không. Khách thì hàng nghìn người nên phục vụ là phải tận tâm, tận lực,” anh Phong tâm niệm.

Trong đợt dịch COVID-19  vào năm 2021, xe buýt Hà Nội phải lần đầu tiên tạm dừng hoạt động. Những tài xế như anh Phong và Thịnh cảm thấy nhớ nghề da diết. Mỗi sáng thức dậy không còn được nghe thấy tiếng còi xe, đạp chân côn hay nhìn những cánh cửa xe mở để đón “thượng đế”. Khi đó, anh em gọi điện nhau an ủi, động viên để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Khi buýt được hoạt động trở lại, có những người khách quen vé tháng vừa bước lên cửa xe đã vồn vã chào bác tài xế, lâu không thấy đi làm là lại hỏi thăm. Đó là sự ghi nhận, trân trọng mà tình cảm hành khách dành cho đội ngũ lái xe buýt,” anh Phong ngậm ngùi nói.

Lần hiếm hoi được lên sóng truyền hình

Trong năm 2021 vừa qua, anh Phong và Thịnh đều đoạt giải “Vô Lăng Vàng” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tôn vinh những người lái xe. Để đạt được thành tích này, cả hai anh phải trải qua quá trình sàng lọc, tuyển chọn và thẩm định gắt gao từ phía đơn vị về tiêu chí lựa chọn tài xế tham gia giải là trong 4 năm trở lại đây không để xảy ra vụ tai nạn giao thông; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, không bị xử phạt do vi phạm Luật; lái xe an toàn toàn 12.000km/năm; có những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đạo đức nghề nghiệp như tham gia cứu nạn người bị tai nạn giao thông, giúp đỡ hành khách trong trường hợp đặc biệt, có uy tín và sức lan tỏa trong đội ngũ lái xe…

[Mặc 'bão' COVID, Transerco đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm 2022]

Khi được tôn vinh và trao giải, bản thân các anh cảm thấy bất ngờ, vinh dự bởi đó là công việc thường ngày, mình làm tốt nhất có thể trong phạm vi công việc.

“Vào tối hôm trao giải, vợ con đều phấn khởi, vui vẻ vì những cống hiến trong công việc được ghi nhận. Mọi người trong nhà nhà ai cũng xem tivi và vui đùa nhau rằng ‘mấy khi được lên sóng truyền hình’,” hai anh Thịnh và Phong cười nói.

Tài xế buýt: Những nỗi niềm khó nói về nghề 'chiều lòng thiên hạ' ảnh 1Anh Nguyễn Tiến Thịnh, lái xe buýt tuyến số 31 thuộc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đoạt giải Vô lăng Vàng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là đơn vị liên tục đoạt giải “Vô lăng vàng” qua 9 năm tổ chức, theo ông Vũ Hữu Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Transerco, Tổng công ty có quy chế đánh giá lái xe, nhân viên phục vụ bằng các tiêu chí chấm điểm như không đâm va, bảo đảm an toàn, thái độ phục vụ tốt, không bị xử phạt vì vi phạm trật tự an toàn giao thông… Nếu đạt các tiêu chí này, lái xe sẽ được hưởng thêm khoản tiền lương chất lượng, hiệu quả. Trong một năm, tất cả các tháng đều đạt thì đánh giá kết quả cả năm, từ đó chọn những người uy tín nhất tham dự giải “Vô lăng vàng” quốc gia.

“Transerco có khoảng 3.000 công nhân lái xe buýt. Hiện, đời sống của anh em còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài. Tuy nhiên, Tổng công ty đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài,” ông Tuyến khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục