Tăng thêm nguồn điện cho mạng lưới điện quốc gia ở Long An

Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 23 dự án điện Mặt Trời, với công suất 1.713MWp; trong đó có 8 dự án đã đưa vào hoạt động và hòa mạng lưới Quốc gia, với công suất khoảng 440MWp.
Nhân viên kỹ thuật tại nhà máy điện năng lượng mặt trời Solar Park (Đức Huệ) của Tập đoàn Hoàn Cầu theo dõi hoạt động của hệ thống sản xuất điện. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Nhân viên kỹ thuật tại nhà máy điện năng lượng mặt trời Solar Park (Đức Huệ) của Tập đoàn Hoàn Cầu theo dõi hoạt động của hệ thống sản xuất điện. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 23 dự án điện Mặt Trời, với công suất 1.713MWp.

Trong số đó, có 8 dự án đã đưa vào hoạt động và hòa mạng lưới Quốc gia, với công suất khoảng 440MWp; 1 dự án hoàn chỉnh và sẽ hòa mạng lưới Quốc gia vào cuối năm 2020. 14 dự án còn lại, đang được Bộ Công Thương và Chính phủ thẩm định, phê duyệt.

Ông Lê Minh Đức, nguyên Giám đốc Sở Công Thương Long An, cho biết Long An là tỉnh có tiềm năng phát triển lĩnh vực năng lượng Mặt Trời, thực hiện chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh), tỉnh Long An đăng ký triển khai các dự án điện Mặt Trời trên, ở các vị trí của huyện có đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như huyện Đức Huệ (14 dự án); Thạnh Hóa (3 dự án); Tân Thạnh (1 dự án); Kiến Tường (2 dự án) 2 và Đức Hòa (3 dự án).

Hiện các dự án được thẩm định đang triển khai và đang hoạt động, hòa vào mạng lưới điện quốc gia đã tạo thêm nguồn điện dồi dào; đồng thời, tỉnh Long An cũng có nguồn thu cho ngân sách. Bình quân 1 dự án có công suất 50MWp, một năm tạo ra nguồn điện 72 triệu kWh, đóng góp ngân sách tỉnh 15-18 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, theo Sở Công Thương tỉnh Long An, hầu hết các dự án đi vào hoạt động không những có hiệu quả cao trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Điển hình như Công ty cổ phần Việt Nam Solar Park, qua 2 năm triển khai xây dựng, đến nay đã hoàn thành 4 nhà máy tại Long An với công suất 200MWp. Mỗi tháng mang về doanh thu cho cả 4 nhà máy khoảng 60 tỷ.

Ông Hoàng Minh Hưng, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Việt Nam Solar Park, cho biết ngay từ khi thực hiện, dự án gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Công ty nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền địa phương trong việc giải quyết các thủ tục, đưa dự án sớm triển khai đi vào hoạt động và hưởng theo cơ chế khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ. Vì vậy, giai đoạn từ năm 2020-2025, Công ty sẽ hoàn thành thêm các nhà máy còn lại, với tổng công suất hơn 1.400MWp trên địa bàn tỉnh Long An.

Còn ông Ngô Trường Thạnh, Giám đốc nhà máy điện Mặt Trời TTC Đức Huệ 1 cho rằng qua khảo sát cho thấy vùng đất Long An có lượng bức xạ Mặt Trời rất tốt cho việc phát triển điện Mặt Trời.

[Bộ Công Thương thông tin về việc đầu tư vào các dự án Điện Mặt trời]

Bên cạnh đó, dự án hiện tại là vùng đất phèn hoang hóa, không canh tác được, thuộc xã biên giới khó khăn của tỉnh, nên việc đầu tư nhà máy điện Mặt Trời của Công ty ở đây khá thích hợp và nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, hiệu quả lượng bức xạ ở đây tốt, từ đó, sản lượng điện tăng lên khá cao; đồng thời, công ty đóng điện vào thời điểm trước tháng 6/2019, nên hưởng được cơ chế ưu đãi của Chính phủ. Với việc xây dựng nhà máy điện này, Công ty góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

“Chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm 1 nhà máy nữa tại khu vực này. Tuy nhiên, hiện tại chủ trương của Chính phủ đã thay đổi với mức giá thu mua điện thấp hơn trước. Do đó, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giải quyết các thủ tục, để Công ty triển khai dự án mới, kịp với thời hạn theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam,” ông Ngô Trường Thạnh, cho biết thêm.

Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, cho biết chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An là phát triển mạnh Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời. Qua đó, các nhà máy sẽ đáp ứng về điện năng và thúc đẩy chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch của tỉnh Long An nói riêng, Việt Nam nói chung.

Qua đây, các nhà máy điện góp phần tăng thêm nguồn điện cho mạng lưới điện quốc gia, xúc tiến nền kinh tế xã hội của tỉnh thông qua việc trực tiếp phục vụ cho các khu công nghiệp và xây dựng một hình ảnh phát triển mới cho tỉnh Long An - thành phố “xanh” của tương lai. Đồng thời, phần nào giải quyết được bài toán về việc cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu quy hoạch phát triển điện ở tỉnh Long An, cũng như phù hợp với tiến trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Cũng theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh, hiện nay trên địa bàn Long An có nhiều hầm đất đã được khai thác đất để làm đất san lấp cho các khu, cụm công nghiệp. Những hầm này, chủ yếu trên mặt nước và nhiều nhà đầu tư đến đăng ký triển khai điện Mặt Trời.

Sở Công Thương Long An đã tập hợp, thống kê các dự án này và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, đề nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia vào những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục