Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm tháng thứ tư liên tiếp

Cán cân dịch vụ của Nhật Bản cũng ghi nhận mức thâm hụt 214,2 tỷ yen, sau thâm hụt 575,4 tỷ yen trong tháng 10/2021, do chi phí vận tải biển tăng trong bối cảnh thiếu container vận chuyển toàn cầu.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm tháng thứ tư liên tiếp ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 12/1 công bố số liệu cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong tháng 11/2021 đã giảm 48,2% so với cùng kỳ năm 2020 xuống 897,3 tỷ yen (7,8 tỷ USD), và ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến cán cân thương mại.

Cán cân tài khoản vãng lai, một trong những thước đo đánh giá thương mại quốc tế, đã ghi nhận 17 tháng tăng liên tiếp, nhưng sau đó đã giảm xuống do giá trị nhập khẩu tăng cao kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập năm 1996.

Giá trị nhập khẩu đã tăng 44,9% lên tổng cộng 7.880 tỷ yen, tăng tháng thứ 10 liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2014, trong đó giá dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng hơn gấp hai lần một phần do đồng yen suy yếu.

[Nhật Bản nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2022]

Xuất khẩu đã tăng 23,2% lên 7.450 tỷ yen, tăng tháng thứ chín liên tiếp, nhờ xuất khẩu thép tăng 87,8%, còn xuất khẩu các thiết bị sản xuất chất bán dẫn tăng 44,7%. Do đó, cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 11/2021 thâm hụt 431,3 tỷ yen, sau khi thặng dư 166,7 tỷ yen trong tháng 10/2021.

Cán cân dịch vụ cũng ghi nhận mức thâm hụt 214,2 tỷ yen, sau thâm hụt 575,4 tỷ yen trong tháng 10/2021, do chi phí vận tải biển tăng trong bối cảnh thiếu container vận chuyển toàn cầu.

Thặng dư thương mại của Nhật Bản ở mức 14,9 tỷ yen, thấp hơn mức 24,3 tỷ yen trong tháng 11/2020, khi chỉ tiếp đón được 20.700 lượt khách nước ngoài đến Nhật Bản, giảm 63,5%, trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thu nhập cơ bản, phản ánh lợi nhuận từ các khoản đầu tư ra nước ngoài, thặng dư 1.790 tỷ yen, tăng 14,3% so với một năm trước đó, một phần nhờ các công ty trong nước nhận được khoản chi trả cổ tức cao hơn từ khoản đầu tư vào cổ phiếu của các hãng vận tải biển nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục