Thế khó của Biden khi nỗ lực "hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Iran Hassan Rohani cho biết sẵn sàng thương lượng với Mỹ nhưng với một cách tiếp cận có phối hợp đồng bộ, cùng đưa ra những biện pháp trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thế khó của Biden khi nỗ lực "hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo eurasiareview/Đài RFI, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu nỗ lực ngoại giao để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới.

Những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng ông sẽ cần nỗ lực lâu dài để thành công, trong khi những người phản đối nói rằng thay vào đó ông nên tập trung vào việc ép Tehran phải chấp nhận một thỏa thuận mới cứng rắn hơn.

Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức, được gọi là P5+1, đã đạt được Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015.

Thỏa thuận này yêu cầu Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân có tiềm năng giúp Iran sở hữu vũ khí hạt nhân từ 8 đến 15 năm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và nói rằng JCPOA không đủ cứng rắn với Iran. Tehran đã trả đũa bằng cách vượt quá giới hạn hạt nhân của thỏa thuận này kể từ năm 2019.

Ngày 20/2, tại Nhà Trắng, trong một bài phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich - một diễn đàn thường niên về chính sách an ninh quốc tế - được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, ông Biden tuyên bố: "Chúng tôi đã chuẩn bị để tái tham gia đàm phán với P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran."

[Mỹ cảnh báo về giới hạn của sự kiên nhẫn với Iran]

Tổng thống Biden, người đã cam kết trở lại JCPOA nếu Iran trước hết tiếp tục tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này, phản ứng tích cực với đề xuất của EU đưa ra hôm 19/2 để 6 cường quốc thế giới và Iran tham dự một cuộc họp không chính thức nhằm thảo luận về cách khôi phục thỏa thuận.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chấp nhận một lời mời như vậy, vốn vẫn chưa được công bố công khai.

Mỹ "buộc" phải tiến trước một bước

Theo phân tích của đài RFI đêm 19/2, Mỹ đã có 3 cử chỉ “hòa dịu” gửi đến chính quyền Tehran. Giới quan sát cho rằng có nhiều lý do giải thích vì sao Mỹ phải tiến trước một bước trong hồ sơ gai góc này.

Ngoại trưởng 4 nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ trong cuộc họp trực tuyến ngày 18/2 khẳng định mục tiêu là “buộc Iran phải tôn trọng toàn diện các cam kết của mình” đưa rồi hồi năm 2015 nhằm “duy trì chế độ không phổ biến hạt nhân và bảo đảm rằng Iran không thể nào sở hữu vũ khí hạt nhân.”

Cũng trong ngày 18/2, Mỹ còn đưa ra một loạt thông báo: hủy bỏ quyết định đơn phương của chính quyền ông Donald Trump cho tái lập các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Iran, giảm nhẹ các biện pháp hạn chế di chuyển đối với các nhà ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc ở New York.

Tờ La Croix (Pháp) nhắc lại, 3 cử chỉ trên của Mỹ được đưa ra vào lúc Tehran liên tục gia tăng áp lực đối với tân chính quyền Mỹ Joe Biden như thông báo tăng mức làm giàu chất urani; sản xuất urani kim loại; lắp đặt các lò ly tâm tân tiến và đặc biệt là thông báo hạn chế các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được tự do đến giám sát các hoạt động khai thác hạt nhân của Iran kể từ ngày 23/2.

Thái độ hòa dịu này cho thấy chính quyền ông Biden chấp nhận tiến trước một bước, trong khi đôi bên khăng khăng kiên định lập trường để trở lại với thỏa thuận hạt nhân, vốn dĩ rơi vào bế tắc kể từ khi người tiền nhiệm của Tổng thống Biden, ông Donald Trump, đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi văn bản này và tái lập các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trong quá trình vận động tranh cử, Tổng thống Joe Biden cam kết đưa nước Mỹ trở lại với các cuộc đàm phán hạt nhân nhưng với điều kiện Iran phải tuân thủ trở lại các ràng buộc của mình đưa ra hồi năm 2015, tức là Iran phải đi trước một bước.

Đây là một điều kiện mà chính phủ Tổng thống Iran, Hassan Rohani, khó có thể chấp nhận, khi cho rằng chính Mỹ đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận và châu Âu đã không làm tốt vai trò kêu gọi Mỹ gìn giữ trách nhiệm của mình.

Do vậy, theo phân tích của nhà chính trị học Ali Fathollah-Nejad - làm việc tại Berlin, tác giả tập sách "Trật tự thế giới mới đang nổi lên" (Emerging New World Order), chiến lược leo thang căng thẳng này của Iran cho phép tạo ra một “cảm giác khẩn cấp” và Tehran sẽ có được một phạm vi hoạt động lớn hơn trong các cuộc thương thuyết tương lai.

Hành động này của Tehran sẽ đặt Washington cũng như châu Âu trước một tình thế lưỡng nan: muốn một Iran có bom nguyên tử hay là thích dội bom Iran hơn?

Về phần mình, ông Vincent Eiffling- chuyên gia về Iran tại Trung tâm Nghiên cứu Khủng hoảng và Xung đột Quốc tế thuộc Đại học Louvain- khi trả lời RFI đã lưu ý thêm đến thế khó của Tổng thống Rohani không thể “xuống nước” trước với Mỹ.

Thứ nhất, bối cảnh ngày nay khác với năm 2015, một bộ phận lớn người dân Iran có cảm giác đã bị đánh lừa, rằng họ cho nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu.

Thứ hai, trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử tổng thống, “đối với chính quyền Rohani và phe ôn hòa, việc đi trước một bước chẳng khác gì là một hành động tự sát chính trị.”

Thế khó của Tổng thống Biden

Tuy nhiên, cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ. Tổng thống Rohani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif bóng gió cho biết sẵn sàng thương lượng nhưng với một cách tiếp cận có phối hợp đồng bộ, theo đó đôi bên cùng đưa ra những biện pháp để trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này đặt Tổng thống Mỹ Biden vào một tình thế khó.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Persian TV của VOA ngày 19/2, Ali Vaez - người ủng hộ JCPOA, một nhà phân tích về Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế- nhận định rằng ông Biden sẽ không thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong thời gian ngắn vì vấp phải sự phản đối của phe thiểu số Cộng hòa tại Quốc hội.

Ông cũng cho biết các động thái của Mỹ không chắc có thể thuyết phục Iran từ bỏ lời đe dọa cho dừng các cuộc thanh tra không báo trước của IAEA tại các địa điểm hạt nhân của Iran bắt đầu từ ngày 23/2, một động thái sẽ làm leo thang các vi phạm JCPOA gần đây của Iran.

Nhà phân tích Vaez nói: "Đối với Tổng thống Biden, việc bày tỏ thiện chí đối thoại với Iran là một bước tiến quan trọng để hai bên tìm được điểm chung để hồi sinh JCPOA và cho thấy rằng kỷ nguyên 'sức ép tối đa' đã không còn nữa."

Behrooz Bayat, cựu cố vấn IAEA người Iran làm việc tại Vienna và là một người ủng hộ JCPOA, cho biết Mỹ, các cường quốc khác trên thế giới và Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc "cứu vớt" JCPOA.

Bayat nói: “Việc theo đuổi các chính sách khác, như việc Mỹ duy trì các lệnh trừng phạt gây 'sức ép tối đa' đối với Iran hoặc Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình, sẽ không giải quyết được vấn đề gì và có thể kết thúc bằng chiến tranh."

Tổng thống Biden đã nói rằng đề xuất trở lại JCPOA có điều kiện của ông khi Iran tiếp tục tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này sẽ là bước đầu tiên để củng cố và mở rộng thỏa thuận nhằm giải quyết những gì Mỹ coi là các hoạt động gây bất ổn của Iran ở Trung Đông, bao gồm cả việc Iran hỗ trợ các lực lượng Hồi giáo đã chiến đấu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Giám đốc nghiên cứu của Viện Brookings, Michael O’Hanlon, một người chỉ trích JCPOA, cho rằng ông Biden nên sử dụng đòn bẩy tài chính mà ông Trump đã xây dựng bằng các lệnh trừng phạt thắt chặt của Mỹ để cố gắng đạt được một thỏa thuận mới, theo đó hạn chế vô thời hạn việc làm giàu urani của Iran và các hoạt động hạt nhân khác mà nước này có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

O'Hanlon nói: “Iran sẽ không thích ý tưởng đó. Nhưng có khả năng ít nhất một số thành viên đảng Cộng hòa ở Mỹ sẽ có hứng thú, tạo ra một nền tảng vững chắc hơn để đây trở thành một thỏa thuận lâu bền, và quan trọng hơn là giúp củng cố hệ thống không phổ biến hạt nhân ở Trung Đông.”

Behnam Ben Taleblu thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, một nhân vật khác cũng phản đối JCPOA, cho rằng ông Biden nên gây áp lực buộc Iran phải đi bước đầu tiên nhằm khôi phục kênh ngoại giao bằng cách thay đổi hành vi của mình ở trong nước cũng như thay đổi hành vi của các lực lượng dân quân ủy nhiệm từng tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và các đồng minh của Mỹ là Israel và Saudi Arabia trong những năm gần đây.

Taleblu nói: “Washington nên làm việc với các đối tác khu vực đa dạng, từ Israel đến Saudi Arabia, để xem họ chấp nhận một kết thúc như thế nào (đối với cuộc xung đột của họ với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này), để những mong muốn của các đồng minh này của Mỹ được đưa vào trong một thỏa thuận lớn hơn, rộng hơn và tốt hơn với Iran"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục