Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong chiều 18/4

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc, chứng khoán Thượng Hải đều giảm điểm giữa bối cảnh báo cáo mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý 1.
Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong chiều 18/4 ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Yonhap/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 18/4 với diễn biến khá dè chừng, giữa bối cảnh báo cáo mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý 1, song con số này vẫn thấp hơn kỳ vọng ban đầu và chính phủ nước này cảnh báo rằng vẫn còn nhiều thách thức lớn ở phía trước.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 hạ 293,48 điểm (1,08%), xuống 26.799,71 điểm, do quan ngại về cuộc xung đột Nga-Ukraine và số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Trung Quốc.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi cũng hạ nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần, khi giới đầu tư thận trọng trước những mối quan tâm về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất sớm hơn và mạnh hơn dự kiến. Chỉ số Kospi giảm 2,85 điểm (0,11%), xuống 2.693,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị 8.900 tỷ won (7,2 tỷ USD).

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường chứng khoán Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ thì thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng rơi vào cảnh mất điểm, do lo ngại về những "thách thức lớn đáng kể" đối với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là những thách thức bắt nguồn từ sự bùng phát mạnh trở lại của đại dịch COVID-19. Đóng cửa phiên này, chỉ số Shanghai Composite giảm 15,72 điểm (0,49%), xuống 3.195,52 điểm.

[Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên 18/4 đồng loạt giảm điểm]

Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 18/4 công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời cảnh báo “những thách thức lớn” phía trước trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 phức tạp đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của nước này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã mất đà tăng trưởng kể từ nửa cuối năm 2021 do thị trường bất động sản giảm sút và chính phủ đưa ra các biện pháp chấn chỉnh quy định.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc “kiên trì” với chính sách tiếp cận zero COVID đã tác động đến chuỗi cung ứng và khiến hàng triệu người phải ở nhà, đặc biệt là tại các trung tâm tài chính kinh tế Thượng Hải và Thâm Quyến.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp đã giảm xuống 5% trong tháng 3/2022, sau khi tăng 6,7% trong tháng Một và tháng Hai, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp buộc các nhà chức trách phải áp đặt phong tỏa. Trong khi đó, doanh số bán lẻ giảm 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn tăng tới 5,8% trong cùng tháng.

Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 18/4, VN-Index giảm 25,96 điểm (1,78%), xuống 1.432,60 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 13,59 điểm (3,26%), xuống 403,12 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục