Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái giảm tuần thứ sáu liên tiếp

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 470-475 USD/tấn, từ mức 472-477 USD/tấn trong tuần trước, do tỷ giá giữa đồng baht và USD biến động trong khi nhu cầu vẫn tương đối ổn định.
Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái giảm tuần thứ sáu liên tiếp ảnh 1Gạo được bày bán tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm tuần thứ sáu liên tiếp với nguồn cung mới cho thị trường gạo nước này dự kiến sẽ tiếp tục kéo giá gạo đi xuống trong tháng 10/2020.

Nhu cầu thế giới yếu kém đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu gạo của hầu hết quốc gia sản xuất gạo hàng đầu châu Á.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 470-475 USD/tấn, từ mức 472-477 USD/tấn trong tuần trước, do tỷ giá giữa đồng baht và USD biến động trong khi nhu cầu vẫn tương đối ổn định.

Theo một thương nhân ở Bangkok, giá gạo vẫn có thể giảm tiếp vì sản lượng lúa gạo thu hoạch sẽ gia tăng vào cuối tháng 10/2020.

Trong khi đó, tại một nước xuất khẩu gạo hàng đầu khác là Ấn Độ, giá gạo vẫn ổn định do nhu cầu giảm sau khi xuất khẩu gạo tăng mạnh trong một vài tháng qua.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này vẫn ổn định ở mức khoảng 376-382 USD/tấn, tương tự như tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết không thể giảm giá bán gạo cho dù sản lượng thu hoạch dồi dào vì đồng nội tệ rupee của Ấn Độ tăng giá.

Tuy vậy, các quan chức Ấn Độ tuần này cho biết xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2020 có thể tăng gần 42% so với năm 2019 lên mức cao kỷ lục 14 triệu tấn do xuất khẩu của các nước sản xuất gạo khác sụt giảm.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong tuần này ở mức 470 USD/tấn, không biến động nhiều so với mức 460-480 USD/tấn trong tuần trước đó, khi nhu cầu gạo của Philippines vẫn yếu.

Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số khách hàng ở Philippines “chỉ gọi điện để tham khảo giá cả song vẫn chưa có ý định mua gạo."

Thị trường nông sản Mỹ

Kết thúc phiên giao dịch 9/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.

Giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 8 xu Mỹ (2,07%) lên 3,95 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 15,5 xu Mỹ (1,48%) lên 10,655 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 giảm 1,5 xu Mỹ (0,25%) xuống còn 5,9375 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê đi xuống, giá tiêu ổn định]

Theo công ty nghiên cứu AgResource, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy diện tích trồng ngô của Mỹ trong năm 2020 là 91 triệu acre (hơn 36,82 triệu ha) và diện tích thu hoạch là 82,5 triệu acre, đều giảm 1 triệu acre so với báo cáo hồi tháng 6/2020.

Trong khi đó, diện tích trồng đậu tương là 83,1 triệu acre và diện tích thu hoạch là 82,3 triệu acre, đều giảm 700.000 acre. Như vậy, tổng diện tích trồng ngô và đậu tương của Mỹ giảm 1,7 triệu acre so với báo cáo ngày 30/6/2020.

Cũng theo báo cáo mới nhất nói trên, năng suất đậu tương của Mỹ ổn định ở mức 51,9 bushels/acre trong khi năng suất ngô ở mức 178,4 bushel/acre, giảm 0,1 bushel/acre so với tháng 9/2020.

Thị trường càphê và đường thế giới

Giá càphê arabica giao kỳ hạn trên thị trường thế giới trong ngày 9/10 đã tăng phiên thứ tư liên tiếp, tiếp tục đà hồi phục từ mức thấp nhất hai tháng đã ghi nhận hồi tuần qua. Cụ thể, giá càphê arabica giao tháng 12/2020 tăng 1,3 xu Mỹ (1,2%) lên 1,1155 USD/lb (1lb = 0,4535 kg).

Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái giảm tuần thứ sáu liên tiếp ảnh 2Thu hoạch càphê tại Fraijanes, Guatemala. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá càphê Arabica đi lên trước những quan ngại về tình hình thời tiết khô nóng ở diễn ra Brazil - quốc gia sản xuất càphê lớn trên thế giới.

Còn giá càphê robusta giao tháng 11/2020 tăng 9 USD (0,7%) lên 1.260 USD/tấn.

Trong khi đó, giá đường thô giao kỳ hạn ngày 9/10 đã tăng 0,06 xu Mỹ (0,4%) lên 14,23 xu Mỹ/lb. Đây là phiên tăng thứ chín liên tiếp và giá đường thô giao kỳ hạn đã chốt phiên ở gần sát mức cao nhất trong bảy tháng qua nhờ triển vọng về niên vụ 2020-2021 có sự chuyển biến tích cực.

Theo công ty phân tích và môi giới StoneX, sản lượng đường sụt giảm ở Thái Lan, Nga và Liên minh châu Âu (EU) trong khi nhu cầu dự kiến hồi phục sẽ dẫn tới nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ thiếu hụt 2,2 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục