Vào đầu tháng 6/2012, giá vàng trên thị trường thế giới đã đột ngột tăng mạnh do ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực về hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc và một số nước ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công. Mặc dù vào đầu tuần này giá vàng đã giảm nhẹ nhưng có một số dấu hiệu cho thấy giá vàng sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn và có thể sẽ tăng mạnh trong dài hạn.
Khi “tin xấu” giúp vàng tỏa sáng
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 1.900,03 USD/ounce vào cuối tháng 8/2011, giá vàng trên thế giới đã liên tục giảm, thậm chí có lúc chỉ còn 1537,50 USD/ounce (ngày 16/5/2012). Vào giữa tháng 5/2012, giá vàng đã bắt đầu tăng trở lại nhờ sự phục hồi của đồng euro, nhất là từ sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm tám nước công nghiệp phát triển (G8) ở bang Maryland (Mỹ). Kết thúc hội nghị này vào ngày 19/5, các nhà lãnh đạo G8 ra tuyên bố khẳng định G8 sẽ giúp Hy Lạp “vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và tiếp tục ở lại Eurozone.”
Sau đó, giá vàng lại quay đầu giảm nhẹ do các nhà đầu tư lo ngại về những bất ổn trong hệ thống ngân hàng ở Tây Ban Nha cùng với những khó khăn kinh tế của Pháp và tâm lý chờ đợi thông tin từ Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày 1/6, giá kim loại quý này đã bất ngờ đảo chiều và vượt qua ngưỡng kháng cự 1.600 USD/ounce. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/6, giá vàng giao ngay trên thị trường New York đã tăng tới khoảng 60 USD/ounce (tương đương 4%), lên mức 1.624,20 USD/ounce. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của giá vàng trong hơn 3 năm qua. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 cũng đóng cửa ở mức 1.620,50 USD/ounce, tăng tới 57,90 USD/ounce so với phiên trước.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng bật mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng là do tác động của hàng loạt thông tin kinh tế đầy tiêu cực phát đi từ hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 1/6, Bộ Lao động Mỹ thông báo, trong tháng 5/2012, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ 8,1% trong tháng Tư lên 8,2%. Đây là lần đầu tiên sau gần một năm giảm liên tục, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng trở lại. Cùng ngày, Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm (CFLP) của Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra cho thấy chỉ số quản trị mua sắm (PMI) trong lĩnh vực công nghiệp của nước này đã giảm lần đầu tiên trong sáu tháng qua xuống còn 50,4% trong tháng 5/2012, thấp hơn so với dự đoán của thị trường.
Trong quý I/2012, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng ở mức 1,9%/năm, so với mức tăng 3% của quý IV/2011, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 8,1%, thấp nhất trong gần ba năm qua. Những thông tin tiêu cực liên tiếp phát đi từ Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng những đồn đoán về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế với mức độ này hay mức độ khác trong thời gian tới. Nếu những đồn đoán này trở thành hiện thực, nó có thể sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và Trung Quốc tăng lên, qua đó làm gia tăng nhu cầu mua vàng tích trữ để “bảo đảm an toàn.”
Mặt khác, tiếp tục có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone vẫn chưa có triển vọng sáng sủa, nhất là khi nguy cơ Hy Lạp “bật khỏi” Eurozone vẫn còn hiện hữu và Tây Ban Nha đang vật lộn để xử lý vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, trong khi Pháp đang phải nỗ lực hết sức để đối phó với các khó khăn kinh tế.
Chuyên gia Bruce Powers của công ty chứng khoán Trust Securities nhận định: “Do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn tiếp tục lan rộng với các quan ngại mới về Hy Lạp và bây giờ là Tây Ban Nha cùng với việc Moody’s hạ hệ số tín nhiệm của các ngân hàng Italy, cũng như khoản lỗ đáng ngạc nhiên của JP Morgan, các nhà đầu tư một lần nữa có thể chứng kiến vàng như một nơi trú ẩn an toàn.”
Liệu vàng có tiếp tục tăng giá?
Sau khi phá vỡ “ngưỡng kháng cự” 1.600 USD/ounce, vào đầu tuần này, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư. Có vẻ như các nhà đầu tư vẫn chưa thật sự tin tưởng vào xu hướng tăng giá của kim loại quý này.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang trong lúc các nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng chờ đợi thông tin về các gói kích thích kinh tế từ các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đã tỏ ra “tin chắc” về triển vọng tăng giá của vàng trong dài hạn trong bối cảnh mối quan ngại về tình trạng bất ổn kinh tế trên thế giới vẫn chưa lắng dịu, trong khi khả năng sinh lời của các công cụ nợ phổ biến trong thời hạn gần, như trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, hay trái phiếu của Chính phủ Đức, đang giảm mạnh.
Về mặt kỹ thuật, theo chuyên gia Clif Droke của mạng tin Forexpros có trụ sở ở đảo Cyprus, ngày 1/6 đã chứng kiến một sự kiện mang tính bước ngoặt về mặt kỹ thuật khi lần đầu tiên chỉ số biến động giá vàng trong 10 tháng đã phát đi tín hiệu “bán ra quá mức” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2008.
Việc thị trường chuyển từ trạng thái “mua vào quá mức” sang “bán ra quá mức” là một sự kiện tích cực đối với kim loại quý này và sẽ mở đường cho những đợt mua vào mới của các nhà đầu tư trung và dài hạn trong những tuần tới và tháng tới.
Theo mạng tin Kitco, hôm 1/6, giá vàng đã vượt qua đường trung bình động 20 ngày và đã kiểm tra ngưỡng kháng cự 1.617 USD/ounce của đường trung bình động 40 ngày vào ngày 5/6. Xu hướng tăng giá của kim loại quý này trong dài hạn vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích kỹ thuật Dave Toth của công ty R.J. O'Brien cho rằng trong dài hạn, chừng nào ngưỡng hỗ trợ 1.545,50 USD/ounce vẫn chưa bị phá thì “sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng giá vàng sẽ không thể tăng tới mức giá kỷ lục mới 1.924 USD/ounce”./.
Khi “tin xấu” giúp vàng tỏa sáng
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 1.900,03 USD/ounce vào cuối tháng 8/2011, giá vàng trên thế giới đã liên tục giảm, thậm chí có lúc chỉ còn 1537,50 USD/ounce (ngày 16/5/2012). Vào giữa tháng 5/2012, giá vàng đã bắt đầu tăng trở lại nhờ sự phục hồi của đồng euro, nhất là từ sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm tám nước công nghiệp phát triển (G8) ở bang Maryland (Mỹ). Kết thúc hội nghị này vào ngày 19/5, các nhà lãnh đạo G8 ra tuyên bố khẳng định G8 sẽ giúp Hy Lạp “vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và tiếp tục ở lại Eurozone.”
Sau đó, giá vàng lại quay đầu giảm nhẹ do các nhà đầu tư lo ngại về những bất ổn trong hệ thống ngân hàng ở Tây Ban Nha cùng với những khó khăn kinh tế của Pháp và tâm lý chờ đợi thông tin từ Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày 1/6, giá kim loại quý này đã bất ngờ đảo chiều và vượt qua ngưỡng kháng cự 1.600 USD/ounce. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/6, giá vàng giao ngay trên thị trường New York đã tăng tới khoảng 60 USD/ounce (tương đương 4%), lên mức 1.624,20 USD/ounce. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của giá vàng trong hơn 3 năm qua. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 cũng đóng cửa ở mức 1.620,50 USD/ounce, tăng tới 57,90 USD/ounce so với phiên trước.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng bật mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng là do tác động của hàng loạt thông tin kinh tế đầy tiêu cực phát đi từ hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 1/6, Bộ Lao động Mỹ thông báo, trong tháng 5/2012, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ 8,1% trong tháng Tư lên 8,2%. Đây là lần đầu tiên sau gần một năm giảm liên tục, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng trở lại. Cùng ngày, Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm (CFLP) của Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra cho thấy chỉ số quản trị mua sắm (PMI) trong lĩnh vực công nghiệp của nước này đã giảm lần đầu tiên trong sáu tháng qua xuống còn 50,4% trong tháng 5/2012, thấp hơn so với dự đoán của thị trường.
Trong quý I/2012, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng ở mức 1,9%/năm, so với mức tăng 3% của quý IV/2011, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 8,1%, thấp nhất trong gần ba năm qua. Những thông tin tiêu cực liên tiếp phát đi từ Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng những đồn đoán về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế với mức độ này hay mức độ khác trong thời gian tới. Nếu những đồn đoán này trở thành hiện thực, nó có thể sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và Trung Quốc tăng lên, qua đó làm gia tăng nhu cầu mua vàng tích trữ để “bảo đảm an toàn.”
Mặt khác, tiếp tục có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone vẫn chưa có triển vọng sáng sủa, nhất là khi nguy cơ Hy Lạp “bật khỏi” Eurozone vẫn còn hiện hữu và Tây Ban Nha đang vật lộn để xử lý vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, trong khi Pháp đang phải nỗ lực hết sức để đối phó với các khó khăn kinh tế.
Chuyên gia Bruce Powers của công ty chứng khoán Trust Securities nhận định: “Do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn tiếp tục lan rộng với các quan ngại mới về Hy Lạp và bây giờ là Tây Ban Nha cùng với việc Moody’s hạ hệ số tín nhiệm của các ngân hàng Italy, cũng như khoản lỗ đáng ngạc nhiên của JP Morgan, các nhà đầu tư một lần nữa có thể chứng kiến vàng như một nơi trú ẩn an toàn.”
Liệu vàng có tiếp tục tăng giá?
Sau khi phá vỡ “ngưỡng kháng cự” 1.600 USD/ounce, vào đầu tuần này, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư. Có vẻ như các nhà đầu tư vẫn chưa thật sự tin tưởng vào xu hướng tăng giá của kim loại quý này.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang trong lúc các nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng chờ đợi thông tin về các gói kích thích kinh tế từ các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đã tỏ ra “tin chắc” về triển vọng tăng giá của vàng trong dài hạn trong bối cảnh mối quan ngại về tình trạng bất ổn kinh tế trên thế giới vẫn chưa lắng dịu, trong khi khả năng sinh lời của các công cụ nợ phổ biến trong thời hạn gần, như trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, hay trái phiếu của Chính phủ Đức, đang giảm mạnh.
Về mặt kỹ thuật, theo chuyên gia Clif Droke của mạng tin Forexpros có trụ sở ở đảo Cyprus, ngày 1/6 đã chứng kiến một sự kiện mang tính bước ngoặt về mặt kỹ thuật khi lần đầu tiên chỉ số biến động giá vàng trong 10 tháng đã phát đi tín hiệu “bán ra quá mức” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2008.
Việc thị trường chuyển từ trạng thái “mua vào quá mức” sang “bán ra quá mức” là một sự kiện tích cực đối với kim loại quý này và sẽ mở đường cho những đợt mua vào mới của các nhà đầu tư trung và dài hạn trong những tuần tới và tháng tới.
Theo mạng tin Kitco, hôm 1/6, giá vàng đã vượt qua đường trung bình động 20 ngày và đã kiểm tra ngưỡng kháng cự 1.617 USD/ounce của đường trung bình động 40 ngày vào ngày 5/6. Xu hướng tăng giá của kim loại quý này trong dài hạn vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích kỹ thuật Dave Toth của công ty R.J. O'Brien cho rằng trong dài hạn, chừng nào ngưỡng hỗ trợ 1.545,50 USD/ounce vẫn chưa bị phá thì “sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng giá vàng sẽ không thể tăng tới mức giá kỷ lục mới 1.924 USD/ounce”./.
Thanh Tùng (TTXVN)