Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không để lực lượng IS quay trở lại

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, nhấn mạnh Ankara sẽ tiếp tục chiến đấu chống IS và sẽ không cho phép tổ chức này quay trở lại dưới bất kỳ hình thức nào.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không để lực lượng IS quay trở lại ảnh 1Các tay súng IS tại thành phố Raqa, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quay trở lại nước này trong bối cảnh những lo ngại về cuộc tấn công quân sự sắp tới của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria có thể tiếp tay cho các đối tượng thánh chiến Hồi giáo hồi sinh.

Đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 7/10, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin nhấn mạnh Ankara sẽ tiếp tục chiến đấu chống IS và sẽ không cho phép tổ chức này quay trở lại dưới bất kỳ hình thức nào.

Đề cập tới "vùng an toàn" đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria có thể cho phép tới 2 triệu người tị nạn hồi hương, ông Kalin nhấn mạnh vùng này sẽ đảm bảo hai mục tiêu đó là bảo vệ các khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách xóa sổ những mầm mống khủng bố và cho phép người tị nạn trở về đất nước của họ.

[Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận Mỹ bắt đầu rút quân khỏi một số khu vực tại Syria]

Hiện có hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, con số cao nhất trên thế giới, và điều này đang trở thành một nguồn gây căng thẳng ngày càng gia tăng tại quốc gia này.

Trong một diễn biến cùng ngày, Liên hợp quốc thông báo tổ chức này đang "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" tại miền Đông Bắc Syria sau khi Mỹ tuyên bố không can dự để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự ở khu vực này.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), điều phối viên nhân quyền Liên hợp quốc tại Syria, ông Panos Moumtzis xác nhận thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh "rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp" về các hệ lụy của chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. 

Ông Moumtzis cho biết thêm Liên hợp quốc đã yêu cầu các bên lên kế hoạch và quân đội cân nhắc tới thực tế rằng hiện có hàng trăm nghìn người đang sống tại khu vực trên. Ngoài ra, các ưu tiên của Liên hợp quốc đó là đảm bảo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào sắp tới sẽ không dẫn tới các đợt di tản mới và rằng việc tiếp cận nhân đạo sẽ không bị cản trở, cũng như không có lệnh giới nghiêm nào được đặt ra trên khu vực tự do di chuyển.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động các lực lượng tăng cường tới biên giới với Syria trong những tuần gần đây và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 6/10 cho biết cuộc tấn công trên có thể "xảy ra vào bất kỳ đêm nào mà không có cảnh báo."

Các tuyên bố cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Mỹ đang đẩy mạnh rút quân dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ không can dự hay hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào các tay súng người Kurd tại Syria. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tập hợp người Kurd ở Syria - cho rằng việc Mỹ rút quân nói trên đe dọa tạo ra một khoảng trống an ninh sẽ đảo ngược nỗ lực hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.

Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ ở phía Đông sông Euphrates tại Syria, nơi Ankara và Washington chưa thành lập được "vùng an toàn" như kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục