Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc tham gia các nỗ lực giải giáp vũ khí

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh giải giáp vũ khí là điều khiến tất cả chúng ta cùng quan tâm và tất nhiên chúng ta sẽ vui mừng nếu các cuộc đàm phán có sự tham gia của Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc tham gia các nỗ lực giải giáp vũ khí ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc cần phải cùng tham gia vào các nỗ lực giải giáp quốc tế, là tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trong phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 16/2.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Giải giáp vũ khí là điều khiến tất cả chúng ta cùng quan tâm và tất nhiên chúng ta sẽ vui mừng nếu các cuộc đàm phán cho vấn đề này có sự tham gia không chỉ giữa Mỹ, châu Âu và Nga mà còn cả Trung Quốc."

Phát biểu trên của người đứng đầu Chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh đang gia tăng lo ngại về hệ thống vũ khí tên lửa của Trung Quốc cũng như việc đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga.

Thủ tướng Đức Merkel cũng cảnh báo việc Washington lên kế hoạch nhanh chóng rút quân khỏi Syria sẽ đồng nghĩa với việc cho phép Nga và Iran tăng cường vai trò của hai nước này trong khu vực. Bà Merkel cũng phê phán Mỹ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Bà đặt câu hỏi: "Liệu bằng cách rút khỏi hiệp định này, chúng ta có thể giúp cho mục tiêu chung là kiềm chế những mối nguy từ Iran hay không."

Bà Merkel cũng lên tiếng cảnh báo về sự sụp đổ của các cấu trúc chính trị quốc tế. Với mối quan hệ với Nga, bà Merkel cho rằng, mối quan hệ này vốn trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, song về mặt địa chiến lược, châu Âu "không thể cắt đứt mọi quan hệ với Nga." Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO và kêu gọi mở rộng hợp tác quốc tế.

[Đức từ chối rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran theo đề nghị của Mỹ]

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 16/2, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh về những thách thức an ninh mà châu Phi đang phải đối mặt, cũng như những vấn đề di cư và các biện pháp đấu tranh chống khủng bố. Tổng thống Sisi tham dự hội nghị trên trong bối cảnh Ai Cập đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) trong năm 2019.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Sisi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ nhân dân Palestine. Tổng thống Sisi nêu rõ: “Chúng ta cần giúp đỡ người dân Palestine giảm bớt sự thống khổ thường nhật của họ." Ông Sisi cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

Theo ông Sisi, vấn đề Palestine là một nguồn gốc chính gây nên tình trạng bất ổn ở khu vực Trung Đông. Cộng đồng quốc tế cần thống nhất mọi nỗ lực để chấm dứt xung đột theo các quy định quốc tế, dựa trên nguyên tắc hai nhà nước.

Vấn đề Libya cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của châu Phi vốn cần có thêm sự ủng hộ đối với lộ trình chính trị cũng như hậu thuẫn cho các cơ quan nhà nước của nước này nhằm chất dứt cuộc khủng hoảng ở Libya. Ngoài ra, theo ông Sisi, cũng cần lưu ý tới vấn đề di cư bất hợp pháp và người tị nạn, vốn đòi hỏi có một giải pháp toàn diện để giải quyết vấn đề nan giải này.

Theo Tổng thống Ai Cập, những thách thức trong thời đại hiện nay là quá lớn đối với một quốc gia khi phải đơn độc giải quyết. Thế giới đang chứng kiến nhiều cuộc xung đột vũ trang, một số cuộc chiến tranh, những cuộc xung đột sắc tộc, tấn công khủng bố. Ngoài ra còn nhiều vấn đề liên quan đến đói nghèo và thất nghiệp… tình trạng biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, thiếu nước và nhiều vấn đề khác.

Theo ông Sisi, điều này đòi hỏi cần tăng cường những nỗ lực của quốc tế vì những thách thức trong bối cảnh hiện nay vượt quá khả năng của bất kỳ quốc gia nào. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phát triển kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thời hậu chiến tranh, xung đột, ở nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Phi. Tổng thống Sisi cho rằng “đầu tư vào châu Phi có nghĩa là đầu tư cho tương lai."

Đề cập đến vấn đề khủng bố, Tổng thống Sisi cho rằng vấn đề này đã đặt ra “những rủi ro ngày càng tăng mà có thể dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội," nên đòi hỏi mỗi người cần có những nỗ lực mạnh mẽ và thực sự để đánh bật vấn nạn này, trong đó có việc trấn áp các nhóm và tổ chức khủng bố. Theo ông, khủng bố là mối đe dọa hàng đầu đối với công cuộc phát triển.

Ngoài ra, Tổng thống Ai Cập cho rằng châu Phi có những tiềm năng lớn về thiên nhiên và nguồn nhân lực, nếu được đầu tư tốt, châu lục này trở thành động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trước đó một ngày, Hội nghị An ninh Munich (MSN) lần thứ 55 khai mạc tại thành phố Munich của Đức với nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự là cải tổ trật tự thế giới. MSC 2019 lần này đã quy tụ những lãnh đạo nhà nước và chính phủ cùng các nhân vật có uy tín khác trong giới chính trị và an ninh thế giới.

Hội nghị sẽ thảo luận một loạt vấn đề từ sự cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu (EU), các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị xáo trộn và các vấn đề khác... Theo chương trình làm việc, hội nghị năm nay sẽ kéo dài đến ngày 19/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục