Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Công nghệ sản xuất năng lượng đã thay đổi

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, do lâu nay chúng ta quen dựa vào năng lượng hóa thạch và vì thế tiềm lực tài chính của chúng ta chưa chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo
Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Công nghệ sản xuất năng lượng đã thay đổi ảnh 1Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta đã quen dựa vào năng lượng hóa thạch và vì thế tiềm lực tài chính để phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa được chú trọng.

Bên lề Hội thảo: "Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - hiệu quả - bền vững" do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra sáng 5/10, tại Hà Nội, Tiến sỹ Trần Đình Thiên đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong việc sử dụng năng lượng.

[Thủy điện vừa và nhỏ: Giải bài toán An toàn, hiệu quả và bền vững]

- Thưa ông, cách tiếp cận mới trong vấn đề năng lượng mà ông đề cập đến là gì?

Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Hiện nay không chỉ nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên mà cơ cấu tiêu dùng điện cũng thay đổi, công nghệ sản xuất năng lượng cũng thay đổi, do vậy chúng ta hiện nay không còn nỗ lực phát triển năng lượng hóa thạch như trước nữa mà tập trung nhiều và có tính quyết định vào phát triển năng lượng tái tạo dựa trên nền tảng công nghệ hoàn toàn mới.

Trong khi đó, tiêu dùng năng lượng cũng thay đổi rất mạnh, ​có thể thấy khái niệm tiêu dùng thông minh, giao thông thông minh hay y tế cũng thông minh đang được đề cập nhiều và gần đây dư luận cũng đang xôn xao về câu chuyện phát triển ôtô chạy điện chứ không dùng xăng nữa.

Điều đó cho thấy cơ cấu tiêu dùng năng lượng đang thay đổi rất ghê gớm, việc thay đổi không chỉ dừng lại ở loại hình năng lượng thay đổi mà bản thân công nghệ để lưu trữ điện, năng lượng thay đổi và khác đi rất nhiều. Đơn cử trước đây, phương tiện giao thông khi chạy thì dùng xăng, nhưng chạy điện thì phải thay đổi về công nghệ.

Đứng ở góc nhìn sản xuất, khi hướng tới năng lượng tái tạo thì công nghệ sản xuất ra thiết bị cho năng lượng tái tạo cũng thay đổi, không chỉ sản xuất nhiệt điện nhiều nữa mà sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, như sử dụng pin mặt trời, điện gió nhiều hơn và điều này cũng làm thay đổi toàn bộ cách tiếp cận về sử dụng năng lượng.


- Hiện các nước kể cả Việt Nam đang nhắc nhiều đến việc sử dụng năng lượng tái tạo, theo ông chúng ta có đủ điều kiện phát triển lĩnh vực này không?

Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Như chúng ta biết, mặt tiền của đất nước hướng ra biển, do vậy khí hậu thuận lợi, có nắng nhiều phù hợp với điện mặt trời, mưa cũng nhiều và gắn với thủy điện, trong khi năng lượng gió cũng rất tiềm năng.

Tuy nhiên, mức độ sử dụng hiện nay chỉ mới 4% là quá thấp, hầu như chưa đụng chạm đến tiềm năng to lớn này, do lâu nay chúng ta quen dựa vào năng lượng hóa thạch và vì thế tiềm lực tài chính của chúng ta chưa chú trọng đến việc này., theo tôi đây cũng là dư địa để phát triển năng lượng tái tạo rất lớn.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Công nghệ sản xuất năng lượng đã thay đổi ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Theo ông cần bổ sung thế nào cho quy hoạch để thủy điện nhỏ và vừa phát triển đúng theo yêu cầu đề ra?

Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Vừa rồi Quốc hội đã đưa 468 thủy điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng nói đến tiềm năng của thủy điện nhỏ và vừa còn lớn và giải pháp có thay đổi, do vậy cơ chế chính sách cũng phải thay đổi, không thể theo lợi ích dự án, kiếm chác xong bỏ chạy và không phải kiếm lợi ích từ rừng... mà đảm bảo an toàn cho môi trường và an sinh xã hội.

Thực tế, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp sau khi 468 dự án thủy điện nhỏ và vừa bị loại ra khỏi quy hoạch và với những giải pháp mới chúng ta thấy có thể trong tương lai sẽ tiếp tục tận dụng được các dự án này để bổ sung cho nguồn năng lượng quốc gia mà không gây hậu quả đáng tiếc.

- Nhưng còn vấn đảm bảo cho người dân vùng lũ với hạ du khi phát triển thủy điện thì sao, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Về cơ bản, nguy cơ lũ lụt thường xảy ra ở các thủy điện lớn do tích nước nhiều và hậu quả tác động mạnh đến đời sống. Do vậy khi quy hoạch thủy điện cần tính kỹ việc thoát lũ cho vùng hạ du, tránh xảy ra rủi ro.

Còn thủy điện nhỏ và vừa việc tích nước cũng không quá lớn và ít gây ra hệ quả, nhưng cách tiếp cận cũng rất thận trọng để thủy điện không gây ra tác động và để lại hệ quả xấu cho hạ du.

Thực tế, thủy điện và thủy lợi xung đột khá lớn, thậm chí mùa hạ và mùa lũ cũng xung đột và điều này cần gắn với công tác quy hoạch, đảm bảo thực hiện cũng phải đúng theo quy hoạch.


- Xin cảm ơn ông./.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên nói về cách tiếp cận mới trong vấn đề năng lượng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục