Tiêu thụ giấy giảm sút tác động đến kinh tế Phần Lan

Ngành sản xuất giấy - một ngành công nghiệp mũi nhọn của Phần Lan, đang phải vật lộn để thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số.
Sau sự xuống dốc không phanh của người khổng lồ điện thoại di động Nokia, ngành sản xuất giấy - một ngành công nghiệp mũi nhọn khác của Phần Lan, cũng đang phải vật lộn để thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số.

Trước một thực tế là từ nhiều ấn phẩm báo chí đến vé máy bay, nay đều dần được số hóa và chuyển sang phát hành trên mạng, các nhà sản xuất lớn về giấy của Phần Lan đang phải đau đầu tìm kiếm các nguồn thu mới.

Ngành công nghiệp giấy Phần Lan hiện nay thu hút khoảng 40.000 lao động. Mặc dù đã giảm hơn 1/3 trong thập niên qua, nhưng con số này vẫn chiếm 1,5-2% tổng số việc làm cả nước.

Tình trạng các nhà máy giấy bị đóng cửa đang trở nên phổ biến ở châu Âu, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng Internet và các thiết bị số, khiến nhu cầu giấy in suy giảm mạnh.

Mặc dù nhu cầu giảm, ngành giấy và lâm nghiệp Phần Lan vẫn có lợi thế riêng, đó là nguồn tài nguyên dồi dào. Phần Lan có diện tích rừng bình quân lên tới 4ha trên mỗi đầu người, gấp khoảng 10 lần mức trung bình ở châu Âu. Tuy nhiên, các công ty sản xuất giấy vẫn đang vật lộn tìm cách tận dụng lợi thế này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai.

Hồi tháng Một năm nay, công ty sản xuất giấy in tạp chí lớn nhất thế giới UPM – Kymmene của Phần Lan thông báo cắt giảm sản lượng 850.000 tấn giấy trong năm nay, tương đương 7%. Sự cắt giảm này ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy giấy của công ty tại Phần Lan, Đức và Pháp.

Stora Enso - một công ty giấy lớn khác của Phần Lan, trong tháng Hai cũng giảm công suất giấy in báo xuống còn 475.000 tấn, khiến hai nhà máy ở Thụy Điển phải đóng cửa.

Ông Harri Taittonen - chuyên gia phân tích của công ty dịch vụ tài chính Nordea cho biết, hiện chưa có giải pháp khả thi cũng như chưa thấy có dấu hiệu thay đổi gì đáng kể trong tình hình hiện nay.

Ngành công nghiệp giấy Phần Lan đang nuôi hy vọng vào sự phát triển các phân khúc thị trường khác để bù đắp phần sụt giảm không cứu vãn nổi của giấy in. Các nhà sản xuất Stora Enso và Metsae Board (tiền thân là M –Real) đang đặt cược vào thị trường giấy bao bì.

Ông Taittonen cho biết, ngành giấy vẫn có triển vọng vì các thiết bị số cũng chưa phải là hoàn thiện và bìa cáctông vẫn là một giải pháp thay thế tốt cho nhựa, hơn nữa nhu cầu có thể tăng lên khi kinh tế phát triển.

Stora Enso hiện đang tập trung đầu tư bên ngoài châu Âu. Công ty này đã rót 1,6 tỷ euro (khoảng 2,1 tỷ USD) vào một nhà máy sản xuất bột giấy và cáctông tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ngoài ra, công ty cũng đang cùng đối tác Arauco của Chile đầu tư 1,3 tỷ euro vào một nhà máy bột giấy lớn ở Urugoay.

Theo ông Taittonen, chiến lược phát triển của ngành giấy là “đẩy mạnh lĩnh vực bột giấy và sản xuất bao bì để tạo nguồn thu mới, nhưng cũng không thể đạt kết quả ngày một ngày hai.”

Các nhà phân tích ngành này không cho rằng sản xuất bao bì có thể trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng của ngành giấy.

Theo ông Lauri Hetemaeki, giám đốc Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp châu Âu, thành phố Joensuu, mặc dù Trung Quốc cần nhiều giấy bao bì hơn cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng sản xuất công nghiệp cũng lại đang chuyển dịch sang châu Á, nên các công ty Phần Lan cần duy trì mức sản xuất hiện nay chứ không nên tăng.

Trong khi đó, công ty UPM lại nhắm tới năng lượng sinh học, kết hợp với chiến lược phát triển các thị trường giấy đang còn tăng trưởng. Công ty này đầu tư 400 triệu euro để xây dựng nhà máy giấy và nhãn mác tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc.

Trong nước, công ty cũng đầu tư 150 triệu euro xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên trên thế giới, chuyên sản xuất nhiên liệu sinh học từ nhựa côlôphan thô lỏng (crude tall oil), một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất bột giấy từ gỗ tùng.

Nhà nghiên cứu tại công ty dịch vụ tài chính liên ngân hàng OP – Pohjola, ông Herri Parkkinen, coi năng lượng và bột giấy là hai kênh tăng trưởng tiềm năng của UPM.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã làm cho ngành giấy Phần Lan thêm khó khăn và cướp đi của ngành này hàng tỷ đôla giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Helsinki.

Kể từ tháng 5/2007, cổ phiếu của Stora Enso, UPM Kymmene và Metsae Board đã bị giảm hơn một nửa giá trị.

Ông Taittonen cho rằng việc làm thế nào để tận dụng tài nguyên của ngành lâm nghiệp Phần Lan và tìm ra sản phẩm cho tương lai chính là hai vấn đề sống còn mà ngành giấy Phần Lan phải đối mặt trong những năm tới.

Ông Hetemaeki ở Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp châu Âu đưa ra gợi ý là ngành giấy nên phát triển theo con đường tương tự như hãng điện thoại Nokia, đó là giảm bớt số công nhân hành chính khi thay đổi hoạt động sản xuất. Ông cho rằng, có thể sức mạnh của Phần Lan nằm ở các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm lâm nghiệp./.
 
Diệu Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục