Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều đóng góp, nơi khởi đầu của nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, đặc biệt là thực hiện định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
30 năm qua, Thành phố mang tên Bác đã cùng với cả nước thực hiện thành công công cuộc Đổi mới và tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu với nhiều thành tựu ấn tượng.
Hóa giải các tồn tại, mở đường Đổi mới
Xuất phát từ tình hình thực tế của thành phố nói riêng và đất nước nói chung trong những năm đầu sau giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với tinh thần năng động, sáng tạo đã có những bước đi, việc làm "chưa có tiền lệ," mở đường cho công cuộc Đổi mới của đất nước.
Những năm đầu sau giải phóng là thời kỳ đầy sóng gió, nhiều phức tạp. Từ bối cảnh ấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt lên chính mình, nỗ lực phấn đấu, làm nên những sự kiện mang tính lịch sử của thành phố, đặc biệt trên lĩnh vực phát triển kinh tế và quản lý phát triển xã hội.
Nói về những khó khăn trước Đổi mới, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy T hành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương cho biết lúc đó cả nước rất khó khăn, Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân.
Nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng; sản xuất theo kế hoạch nên mới có chuyện “bán như cho, mua như cướp,” thiếu việc làm nghiêm trọng, giá cả đắt đỏ, trẻ em suy dinh dưỡng, thuốc trị bệnh thiếu thốn. Lạm phát lên đến 700-800%.
Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh, chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân.
Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử thành phố và con người thành phố để chọn lựa sự đột kích chủ yếu,” trong điều kiện cuộc đấu tranh giữa bảo thủ và trì trệ với đổi mới cách nghĩ, cách làm diễn ra gay gắt, vốn tin dân, trọng dân, luôn dựa vào dân như Bác Hồ đã dạy, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì chủ trương tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, rồi cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào,” thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất bung ra; cải tiến lĩnh vực liên thông phân phối mở rộng thị trường, trước hết là ở thị trường Nam Bộ và thị trường quốc tế, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Những việc làm như xóa bao cấp, thực hiện "3 lợi ích," lương sản phẩm trong xí nghiệp, khóan sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, vấn đề cải tạo công-thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp… đã được thực hiện tại các đơn vị như Công ty Lương thực thành phố, Gạch bông Đức Tân, Câu lạc bộ Giám đốc, Dệt Thành Công, Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, Cao su Phạm Hiệp, Nhà máy bia Sài Gòn…
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, với chủ trương thí điểm kế hoạch 3 phần theo các Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn thử nghiệm kế hoạch 3 phần và mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập vật tư, nguyên liệu, tự cân đối cho sản xuất địa phương, đồng thời bổ sung cho các doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn.
Thành phố đã chủ động liên kết với các địa phương có sản phẩm nông nghiệp để thực hiện mối quan hệ công-nông nghiệp-thương mại, tạo ra nông sản xuất khẩu của thành phố. Việc thử nghiệm này mang lại kết quả to lớn, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, thành phố có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ.
Khai mở con đường Đổi mới
Trước sự căng thẳng trong vấn đề lương thực phục vụ đời sống nhân dân, thành phố cho thành lập các tổ thu mua lương thực ngoài kế hoạch ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc trao đổi lương thực với xăng dầu, vải, thuốc trị bệnh...
Trên cơ sở này, thành phố xin thành lập Công ty Kinh doanh Lương thực đầu tiên của cả nước và từng bước xóa bỏ cơ chế lương thực.
"Đây là một quyết định táo bạo, đầy trách nhiệm của thành phố nhằm giải quyết cho đời sống của nhân dân," phó giáo sư-tiến sỹ Hà Minh Hồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, những suy nghĩ tìm tòi đầu tiên của lãnh đạo thành phố là dùng nông sản ở thành phố và khu vực thu mua được với giá thỏa thuận, bán ra ngoài thị trường tiểu ngạch lấy ngoại tệ mua nguyên liệu cung cấp cho sản xuất công nghiệp thành phố.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Hà Minh Hồng, với ý nghĩ táo bạo này lãnh đạo thành phố qua nhiều lần bàn bạc, trao đổi đã chấp thuận cho lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp của thành phố (Direximco) và Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex), huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở thành phố và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, Hong Kong… lấy nguyên liệu vật tư cho nhu cầu sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp thành phố bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tư khan hiếm, vừa có sản phẩm bán ra có lãi, vừa giải quyết được việc làm cho công nhân.
Tham gia cùng với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xử lý các vấn đề bức thiết của thành phố trong giai đoạn khó khăn này, ông Phan Minh Tánh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với trách nhiệm trước dân, thành phố phải sáng tạo, triển khai làm thí điểm trong các lĩnh vực kinh tế, làm ngoại thương để đưa doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền mua nguyên liệu về sản xuất, có sản phẩm bán ra thị trường, qua các mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người dân. Từ đây, thành phố đóng góp nhiều cách làm, gợi mở cho Trung ương có những quyết sách đúng đắn, phù hợp để đưa đất nước đổi mới, phát triển.
Một sự kiện đặc biệt, được khắc ghi như một mốc son lịch sử của quá trình đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh chính là sự kiện “Hội nghị Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7/1983.
Từ khảo sát thực tiễn, tổng kết những thí điểm về đổi mới để có cách làm ăn hiệu quả, bảo đảm đời sống công dân, phát triển sản xuất kinh doanh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh lúc đó đã tổ chức cho các giám đốc các doanh nghiệp có cách làm mới theo cơ chế của thành phố, trực tiếp báo cáo với các vị lãnh đạo cao cấp của Trung ương lúc đó đang ở Đà Lạt, sau đó, mời các lãnh đạo các doanh nghiệp về thành phố tham quan, khảo sát thực tế...
Theo ông Phan Xuân Biên, sự kiện này không chỉ “minh oan” cho cách làm theo kiểu “phá rào,” "làm lén" của thành phố để cố vượt qua khỏi cơ chế cũ bảo thủ, vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước năm 1985 mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới.
Đây là một dấu ấn đáng ghi nhớ trong quá trình lãnh đạo đầy bản lĩnh, năng động, sáng tạo của Thành ủy và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, những tìm tòi, thử nghiệm mang tính đi đầu đó, không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với nhân dân, mà còn là trách nhiệm của một thành phố trung tâm, đi đầu của nền kinh tế khu vực phía Nam, thành phố đặc biệt của cả nước.
Phó giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định cùng với nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến, đóng góp thực tiễn cho tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là một trong số đó, một địa phương đi đầu với thực tiễn sinh động của một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp-thương mại của đất nước./.