Triển vọng nhóm cổ phiếu ngành dệt may năm 2022 thiên về 'thận trọng'

Cổ phiếu của tất cả các công ty trong ngành dệt may đã được định giá lại và có hiệu suất tốt hơn VN-Index trong năm 2021, do kết quả lợi nhuận từ ngành dệt may và sợi chuyển biến mạnh so với năm 2020.
Triển vọng nhóm cổ phiếu ngành dệt may năm 2022 thiên về 'thận trọng' ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Triển vọng của của ngành dệt may trong năm 2022 được dự báo cả thuận lợi và thách thức đan xen, trong khi giá cổ phiếu của cả nhóm ngành trên thị trường đã được định giá khá cao. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cổ phiếu ngành dệt may khi giao dịch ở mức P/E (hệ số giá/lợi nhuận) cao hơn so với năm 2021 sẽ là thách thức đối với nhà đầu tư.

Ngành dệt may toàn cầu tìm vị thế

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, nhóm cổ phiếu ngành dệt may đã tăng trưởng 111% trong năm 2021 và cao hơn so với mức tăng 77% so của VN Index.

“Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của tất cả các công ty trong ngành đã được định giá lại và có hiệu suất tốt hơn VN-Index trong năm, do kết quả lợi nhuận của ngành dệt may và sợi chuyển biến mạnh so với năm 2020,”  báo cáo của SSI nêu ra.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư của SSI chỉ ra sau gần hai năm gián đoạn, ngành dệt may toàn cầu đã bắt đầu tìm lại được vị thế, nhờ có sự thúc đẩy của thương mại điện tử.

Bất chấp những khó khăn liên tục xảy ra, nhu cầu đã quay đầu trong nửa cuối năm 2021. Tại Mỹ, nhu cầu bị dồn nén đã dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng. Một số thương hiệu đạt kết quả khả quan hơn hơn so với thị trường bị chi phối bởi quần áo thể thao và hàng cao cấp. Công ty McKinsey ước tính doanh thu thời trang toàn cầu năm 2021 đạt 96% mức năm 2019.

Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước tính đạt 39 tỷ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019).

Theo bà Phương, đây là kết quả đáng kể mặc dù có sự gián đoạn kéo dài do chính sách giãn cách xã hội trong quý 3/2021, bởi mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm trước COVID-19 cũng chỉ duy trì ở mức 10%.

Kết quả kinh doanh trái chiều

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, các công ty dệt may niêm yết công bố kết quả kinh doanh trái chiều trong 9 tháng của năm 2021.

Cụ thể, các công ty may mặc có trụ sở tại miền Bắc, như TNG và MSH, không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 3/2021, đã công bố các mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức cao và lần lượt  31% và 105% so với cùng kỳ. Trong khi, hai mã VGG và TCM có trụ sở tại miền Nam lại ghi nhận có mức giảm lần lượt 44% và 41% so với cùng kỳ. Mặt khác, nhóm các công ty sản xuất sợi lại có mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình là STK tăng 170% và ADS tăng gần 3.500%.

Các công ty dệt may công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng/2021:

Triển vọng nhóm cổ phiếu ngành dệt may năm 2022 thiên về 'thận trọng' ảnh 2(Nguồn: SII) - (*) NPATMI: Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Trong 5 năm qua, giá các cổ phiếu ngành dệt may giao dịch với hệ số P/E trung bình là 8x. Tuy nhiên, mặc dù kết quả kinh doanh trái chiều như trên, song toàn bộ các mã cổ phiếu ngành đã được định giá lên 14x trong năm 2021, do nhà đầu tư kỳ vọng vào sự thay đổi của ngành sợi và triển vọng trung hạn tích cực của ngành may mặc khi một số công ty đã và đang mở rộng công suất.

Cụ thể, các cổ phiếu tăng giá hiệu quả tốt nhất bao gồm: VGT (+173%); MSH (+120%); STK (+186%); TNG (+139%); NDT (+456%) và ADS (+385%).

Biên lợi nhuận thu hẹp

Sang năm 2022, McKinsey đề xuất doanh thu thời trang toàn cầu sẽ đạt khoảng 103% -108% mức năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu tổng thể dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn với động lực tăng trưởng có thể từ Mỹ và Trung Quốc - khi châu Âu chững lại. Song, thời trang giá rẻ và cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, vì sự phục hồi dự kiến sẽ không đồng đều giữa các phân khúc giá trị trong khi thị trường trung cấp siết chặt lại.

Mặt khác, tính bền vững của chuỗi giá trị tiếp tục có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu và người tiêu dùng, không chỉ về việc sử dụng nguyên liệu tái chế mà còn với việc tái chế hàng may mặc, giúp giảm thiểu chất thải. Thêm vào  đó, thị trường toàn cầu dự kiến vẫn diễn biến phức tạp với những thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu nguyên liệu.

“Những yếu tố này tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và mất cân đối giữa cung và cầu. Theo đó, người tiêu dùng có thể chịu mức giá cao hơn và các công ty sản xuất có mức biên lợi nhuận thu hẹp,” McKinsey đánh giá.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành đạt khoảng 43 tỷ USD (tăng 10%/năm) theo kịch bản khả quan với giả định dịch bệnh bắt đầu giảm dần trong quý 1/2022 và đạt 41 tỷ USD (tăng 5%/năm) theo kịch bản cơ sở với dịch bệnh sẽ bắt dầu giảm dần trong quý 2/2022.

Với sợi bông, sau khi tăng trưởng nhanh trong năm 2021 ngành sẽ dần tìm đến điểm cân bằng trong năm 2022, dự báo giá bông đầu vào sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 2 quý tới, nhưng khả năng cao sẽ điều chỉnh xuống vào nửa cuối năm 2022.

Do đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI tính toán giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, song biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh giảm trong 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc cũng sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm 2022.

Về triển vọng chung của ngành dệt may trong năm 2022, SSI cho rằng giá cổ phiếu của toàn ngành đã được định giá lại để phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tích cực trong trung hạn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị việc định giá lại có thể xảy ra tiếp khi kế hoạch phát triển nguồn cung vải trong nước trở nên rõ ràng hơn, giúp ngành gặt hái được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA.

“Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Vậy nên, đây sẽ là thách thức đối với cổ phiếu ngành dệt may khi giao dịch ở mức P/E cao hơn so với năm 2021,” báo cáo nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục