Trump có thay đổi được bản đồ lãnh thổ Trung Đông?

Tổng thống Trump có thay đổi được bản đồ lãnh thổ Trung Đông?

Bằng việc công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump đã làm thay đổi các cuộc thảo luận về cuộc xung đột Israel-Palestine, ít nhất là tại chính trường Mỹ và Israel.
Tổng thống Trump có thay đổi được bản đồ lãnh thổ Trung Đông? ảnh 1Hiện trường một vụ không kích của Israel tại Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 31/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Jerusalem Post ngày 1/2 đăng bài phân tích của tác giả Tovah Lazaroff về Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nội dung như sau:

Bằng việc công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump đã làm thay đổi các cuộc thảo luận về cuộc xung đột Israel-Palestine, ít nhất là tại chính trường Mỹ và Israel.

Tương tự, ông Trump đã xóa đi phương châm "đổi đất lấy hòa bình" vốn gắn liền với chính sách của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột này kể từ Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.

Hậu quả trực tiếp sau cuộc chiến này là các quan chức Israel coi vùng lãnh thổ đã chiếm được trong cuộc chiến là một ưu thế trao đổi trong đàm phán hòa bình với người Arab.

Theo thỏa thuận hòa bình Israel-Ai Cập năm 1979, Israel rút khỏi sa mạc Sinai và sơ tán 12 khu định cư. Sau đó, Hiệp ước Oslo năm 1993 và tiến trình Annapolis năm 2008 đã yêu cầu Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Bờ Tây để đổi lấy hòa bình và biên giới rút quân sẽ được người Israel và Palestine xác định trong đàm phán.

Trong 53 năm qua, Liên hợp quốc cho rằng bất cứ giải pháp nào đối với cuộc xung đột sẽ được dựa trên đường biên giới trước năm 1967 và theo tiến trình Annapolis.

Khi công bố kế hoạch hòa bình ngày 28/1, Tổng thống Trump đã xóa bỏ nguyên tắc ngoại giao về đường biên giới trước năm 1967, liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.

Ông đã đưa phần lớn nội dung về biên giới ra khỏi bàn đàm phán thông qua việc cho phép Israel áp đặt chủ quyền đối với toàn bộ các khu định cư tại Bờ Tây mà không quan tâm đến việc tiến trình hòa bình dẫn tới sự ra đời của một nhà nước Palestine phi quân sự.

[Phát súng của D.Trump cho hòa bình Trung Đông]

Như vậy, ông Trump đã gạt vấn đề đường biên giới trước năm 1967 và khái niệm "đổi đất lấy hòa bình" ra khỏi các cuộc tranh luận.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump thường đề cập tới ý định giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, gọi đây là "Thỏa thuận thế kỷ," nhưng phải đến ngày 28/1 mới công bố.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Họ nói rằng đó là thỏa thuận khó khăn nhất. Trong kinh doanh, khi tôi gặp phải một hợp đồng khó, người ta nói nó còn khó hơn vấn đề giữa người Israel và Palestine. Họ thường lấy điều này làm một cái cớ. Thế nhưng chúng ta phải làm cho được."

Tuy vậy, trong bối cảnh vị tổng thống này đang vận động tái tranh cử thì kế hoạch hòa bình lại được dựa trên lộ trình 4 năm mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, ông Trump công bố bản kế hoạch mà không có sự tham gia của người Palestine và tại một thời điểm ít tiềm năng nhất, khi mà ông chỉ còn chưa đầy 1 năm là hết nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu ông Trump không tái đắc cử, ông không thể hoàn thành nó.

Tổng thống Trump sẽ làm gì trong 9 tháng tiếp theo?

Ông có thể chỉ ra cho cử tri thấy những gì mình đã làm và sự khác biệt mà ông có thể mang lại nếu tiếp tục tại vị. Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần đầu tiên tới Washington gặp ông Trump hồi tháng 2/2017, ông chỉ có thể mơ về việc Tổng thống Trump sẽ đưa Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và cho phép tự do xây dựng các khu định cư.

Tuy nhiên, những giấc mơ này đã dần trở thành hiện thực. Ông Trump đã công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đưa Đại sứ quán Mỹ trở lại Jerusalem và công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Đến nay, ông Trump chưa làm rõ quan điểm của Mỹ đối với biên giới của Jerusalem.

Ngày 28/1 vừa qua, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố rõ về việc Mỹ công nhận các khu vực của Jerusalem với đường biên giới trước năm 1967 thuộc một phần chủ quyền của Israel, cả hiện tại và trong tương lai.

Theo kế hoạch này, toàn bộ Jerusalem, ngoại trừ phần bên ngoài hàng rào, sẽ thuộc chủ quyền của Israel. Điều này gần như đồng nghĩa với việc Mỹ công nhận một Jerusalem không bị chia cắt như Israel từng nhận được.

Năm 2018, chính quyền Trump đã không còn dùng thuật ngữ được cộng đồng quốc tế sử dụng rộng rãi, trong đó coi việc xây dựng các khu định cư là một trở ngại đối với hòa bình. Năm 2019, chính phủ này tiếp tục tuyên bố rằng các khu định cư không vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhưng như thế đã đủ chưa, hay ông Trump bật đèn xanh để Israel hành động về vấn đề này trước cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 3/11 tới? Ban đầu, Israel có ấn tượng rằng họ có thể ngay lập tức hành động. Có thông tin rằng một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này sẽ được tiến hành tại cuộc họp bộ trưởng hàng tuần vào ngày 2/2, nhưng kế hoạch đã bị hủy vào ngày 30/1, sau khi cố vấn đặc biệt Jared Kushner - quan chức hàng đầu của Mỹ về kế hoạch hòa bình - cho hay sẽ không có gì xảy ra trước cuộc bầu cử Israel vào ngày 2/3 tới.

Nhà lãnh đạo các khu định cư lo ngại việc áp đặt chủ quyền đã bị ngừng lại. Đến ngày 31/1 vẫn chưa có thời gian cụ thể cho cuộc bỏ phiếu trong Nội các Israel.

Có thông tin cho rằng có sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề này giữa ông Kushner và Đại sứ Mỹ tại Israel Friedman, rằng Kushner lo ngại một phản ứng tiêu cực từ thế giới Arab.

Kế hoạch hòa bình, có tên gọi chính thức là "Hòa bình tới Thịnh vượng," được xây dựng theo cách chủ quyền của Israel đối với các khu định cư là một trong những vấn đề cụ thể có thể được triển khai trong vòng 9 tháng tới, với sự đồng ý từ Nhà Trắng.

Chủ quyền không phải là một vấn đề có thể triển khai dưới quyền của bất cứ tổng thống nào. Nếu Israel triển khai, Mỹ có thể ngăn chặn bất cứ hành động nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chống lại Nhà nước Do Thái, bởi Mỹ có quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, nếu chờ quá lâu và ông Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, cơ hội áp đặt chủ quyền với sự ủng hộ của Mỹ sẽ mất đi, do một tổng thống thuộc đảng Dân chủ ít có khả năng ủng hộ bất cứ hành động sáp nhập nào của Israel hoặc ủng hộ nước này trên trường quốc tế.

Ông Trump có thể sẽ phải lựa chọn giữa các nước Arab và cử tri Thiên chúa giáo tại Mỹ. Tương tự, ông Netanyahu cũng có thể phải lựa chọn giữa phe cánh hữu của mình và ông Trump.

Trong ba cuộc bầu cử gần đây, ông Netanyahu đã thành công trong việc duy trì vai trò lãnh đạo khối các đảng cánh hữu, cho dù có tầm nhìn về chủ quyền hẹp hơn so với một số đối tác.

Trong cuộc bầu cử lần thứ ba này, ông Netanyahu đang bị chủ tịch đảng cánh hữu Yamina, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennet, chỉ trích. Ông Bennet là người đã sẵn sàng tiến hành sáp nhập toàn bộ khu C và không quan tâm đến việc có được Mỹ ủng hộ hay không.

Nếu Mỹ tiếp tục yêu cầu trì hoãn, ông Netanyahu sẽ phải đánh cuộc rằng cử tri sẽ tập trung vào những thành tựu ông đạt được cho đến nay, bao gồm tuyên bố chủ quyền đối với các khu định cư tại Bờ Tây, thay vì vào việc chưa sáp nhập được các khu định cư.

Ông Netanyahu đã có được cam kết của Mỹ rằng Israel có thể giữ tất cả các khu định cư mà không phải sơ tán bất cứ khu nào. Đây là một thành tựu chưa từng có trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Israel. Tuy nhiên, phe cánh hữu lại không đủ kiên nhẫn.

Họ lo ngại nếu chủ quyền đối với các cộng đồng Do Thái tại Judea và Samaria không được triển khai bây giờ sẽ bị trì hoãn trong các cuộc thảo luận và những cam kết bất tận của Mỹ, đồng thời cơ hội 9 tháng này sẽ mất đi.

Để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền, trong 4 năm tới, Israel sẽ phải tự kiềm chế không xây dựng các khu định cư mới hay mở rộng các khu hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc Israel đơn phương ngừng cuộc chiến tại khu C.

Tuy nhiên, hiện chưa có nội dung nào của kế hoạch dự kiến được triển khai nếu Israel không tiến hành hoạt động sáp nhập. Trong trường hợp không có hành động nào trong 9 tháng tới, cuộc chiến tại khu C có khả năng lại diễn ra bởi Israel biết giới hạn của Mỹ.

Do đó, những người định cư và người Palestine có vẻ sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép tại khu C nhằm hy vọng thay đổi bản đồ lãnh thổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục