Trung Quốc và những mối quan hệ ngoại giao “rơi tự do”

Trung Quốc cảnh báo các quốc gia phương Tây rằng họ sẽ phải "trả giá" vì tiến hành cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022.
Trung Quốc và những mối quan hệ ngoại giao “rơi tự do” ảnh 1(Ảnh: Getty Images)

Theo AFP/AP/VOA/Đài BBC, Trung Quốc cảnh báo các quốc gia phương Tây rằng họ sẽ phải "trả giá" vì tiến hành cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022.

Đầu tuần này, Washington đã công bố quyết định không cử phái đoàn ngoại giao tới tham dự sự kiện do hành vi lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc và điều mà Mỹ coi là "cuộc diệt chủng" đối với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Ngày 8/12, Australia, Anh và Canada cũng đưa ra hành động ngoại giao tương tự. New Zealand cũng không cử quan chức tới Thế vận hội do lo ngại đại dịch, nhưng trước đây cũng nêu lên những quan ngại về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Các quốc gia khác ví dụ như Nhật Bản, được cho là cũng đang xem xét tẩy chay ngoại giao Thế vận hội. Italy cho biết họ không có kế hoạch tham gia tẩy chay ngoại giao. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận lời mời tham dự, bất chấp Nga bị cấm thi đấu do bê bối doping năm 2014.

Ngay sau đó, Bắc Kinh nhận được "tin mừng" từ Paris khi Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Jean-Michel Blanquer cho biết Pháp sẽ không tham gia cuộc tẩy chay.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài phát thanh RMC và kênh truyền hình BFM, Blanquer nói: "Chúng ta cần phải thận trọng về mối liên hệ giữa thể thao và chính trị, đồng thời cho biết Pháp sẽ tiếp tục lên án các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

[Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh - Gậy ông đập lưng ông]

Tuy nhiên, ông khẳng định: "Thể thao là một thế giới tách biệt cần được bảo vệ khỏi ảnh hưởng chính trị.” Dù vậy, một quan chức giấu tên trong đoàn tùy tùng của ông nói với AFP rằng quan điểm của Paris về sự hiện diện ngoại giao của Pháp tại Thế vận hội vẫn đang được thảo luận và chưa được quyết định.

Các bình luận này trái ngược với phát biểu của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian rằng ông vẫn đang tìm kiếm một lập trường chung của EU về một cuộc tẩy chay.

Trong lúc tiến hành tẩy chay ngoại giao, các quốc gia này vẫn cử các vận động viên đến Thế vận hội vào tháng 2 tới, nhưng điều này vẫn khiến Bắc Kinh tức giận và ngầm phát tín hiệu sẽ "trả đũa."

Ngày 9/12, phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: "Việc Mỹ, Australia, Anh và Canada sử dụng nền tảng Olympic để thao túng chính trị là điều gây bất bình và là sự tự cô lập, và họ chắc chắn sẽ phải trả giá cho hành động sai trái của mình."

Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc chưa gửi lời mời tới Mỹ, Canada hay Vương Quốc Anh, nên việc họ có cử quan chức tới tham dự hay không cũng không thành vấn đề, và họ sẽ thấy sự thành công của Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Ông khẳng định: "Thể thao không liên quan gì đến chính trị. Chính họ đã viết, đạo diễn và thực hiện trò hề này.”

Trung Quốc tự tin rằng sẽ không có phản ứng dây chuyền và vẫn đang nhận thấy sự ủng hộ của toàn cầu đối với sự kiện này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Cho đến nay, nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và các thành viên hoàng gia đã đăng ký tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, và chúng tôi rất hoan nghênh họ. Trung Quốc cam kết đóng góp hơn nữa cho sứ mệnh Olympic quốc tế và sẽ cung cấp một kỳ Thế vận hội hợp lý, an toàn và thú vị cho toàn thế giới.”

Trung Quốc cam kết đáp trả Mỹ bằng các “biện pháp trả đũa cứng rắn,” nhưng không cho biết chi tiết kế hoạch trả đũa.

Bước đi quan trọng

Các nhóm vận động đã ủng hộ nỗ lực tẩy chay do Mỹ dẫn đầu. Giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Sophie Richardson gọi đây là một "bước quan trọng để thách thức tội ác chống lại loài người của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người gốc Thổ."

Các nhà vận động nói rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người gốc Thổ khác, chủ yếu là người thiểu số theo đạo Hồi, đã bị giam giữ trong các "trại cải tạo" ở Tân Cương, nơi Trung Quốc cũng bị cáo buộc triệt sản phụ nữ và cưỡng bức lao động. Bắc Kinh đã biện minh rằng đây là các trung tâm đào tạo nghề nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cho biết hôm 8/12 rằng ông có thái độ trung lập về mặt chính trị đối với vấn đề này, trong khi nhấn mạnh rằng điều quan trọng là "sự tham gia của các vận động viên tại Thế vận hội."

Các mối quan hệ “rơi tự do”

Cả 4 nước phương Tây tẩy chay Thế vận hội đều có mối quan hệ nguội lạnh với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Anh cũng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp ở Hong Kong.

Năm ngoái, Anh đã khiến Bắc Kinh tức giận khi ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia hoạt động triển khai băng thông rộng 5G ở Anh sau khi Washington nêu lên quan ngại về hoạt động gián điệp. Trong khi đó, quan hệ của Canada với Trung Quốc đã xuống mức thấp trong tháng 12/2018 khi Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Vancouver theo lệnh của Mỹ, trong khi Bắc Kinh cũng bắt giữ hai công dân Canada để đáp trả. Cả ba người đã được thả và hồi hương vào tháng 9/2021.

Mối quan hệ của Canberra với Bắc Kinh cũng trong tình trạng "rơi tự do" trong những năm gần đây, với việc Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa của Australia.

Trung Quốc đã tức giận trước việc Australia sẵn sàng đưa ra luật chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài, cấm Huawei tham gia các hợp đồng 5G và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Động thái gần đây của Australia nhằm trang bị cho hải quân nước này các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo liên minh quân sự ba bên với Anh và Mỹ (AUKUS) - được nhiều người coi là nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương - cũng khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Caitlin Byrne, Giám đốc Viện Châu Á Griffith tại Đại học Griffith ở Queensland, cho rằng việc Australia tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh có thể khiến Trung Quốc trả đũa.

Bà nói: “Liệu nó có đạt được kết quả đáng kể nào không? Câu trả lời có thể là 'không' và trên thực tế, nó cũng mang lại rủi ro. Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ tiến hành đáp trả trước việc Mỹ và Australia tiến hành tẩy chay ngoại giao. Chúng ta sẽ chứng kiến các hành động phản ứng của họ nhưng chưa rõ cụ thể là gì.”

Ngày 8/12, trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố tiến hành tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh nhưng khẳng định vẫn cử các vận động viên tham dự, giống như 3 quốc gia phương Tây còn lại.

Ông nói: "Tôi cho rằng tẩy chay thể thao là không hợp lý.” Tại Ottawa, Thủ tướng Justin Trudeau cũng thông báo các quan chức Canada sẽ không tham dự Thế vận hội, nói rằng chính phủ của ông "cực kỳ quan ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền lặp đi lặp lại của chính phủ Trung Quốc.” Lãnh đạo Australia Scott Morrison đã đưa ra thông báo tương tự trước đó.

Cùng với cuộc tranh cãi tẩy chay ngoại giao, đại dịch cũng khiến các sự kiện quảng bá cho Thế vận hội tương đối “mờ nhạt,” đặc biệt là khi so sánh với chiến dịch rầm rộ được phát động trước Thế vận hội mùa Hè Bắc Kinh 2008. Cuộc rước đuốc đã bị hủy bỏ hoàn toàn trong năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục