Sau nhiều tuần lễ tranh cãi, ngày 17/1, các nghị sỹ tại Hạ viện Anh đã phê chuẩn Dự luật Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Văn kiện này đã được chuyển lên Thượng viện xem xét.
Dự luật Brexit đã được thông qua với 324 phiếu thuận và 295 phiếu phản đối. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình dài hơi hướng đến việc xây dựng các nền tảng pháp lý cho Brexit. Các nghị sỹ đã thảo luận hơn 500 sửa đổi và mất hơn 80 giờ tranh luận về văn kiện này.
Dự luật Brexit bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (ECA), bộ luật có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời chuyển đổi các đạo luật của EU thành đạo luật của Anh. Vấn đề này đã trở thành tiêu điểm tranh luận xung quanh cách thức mà Anh tìm kiếm trong quá trình "ly hôn," đồng thời là phép thử đối với khả năng đưa ra một chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh đảng Bảo thủ không chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
[Vấn đề Brexit: Người dân Anh không còn thiết tha rời khỏi EU]
Phát biểu trước thềm cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis đã kêu gọi Công đảng đối lập, vốn luôn phản đối chiến lược Brexit của Thủ tướng May, ủng hộ dự luật và cho thấy rằng họ không tìm cách đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016.
Ông Lewis nêu rõ: "Công đảng luôn nói rằng họ ủng hộ kết quả cuộc trưng cầu ý dân và có thể tin tưởng rằng họ hành động một cách trách nhiệm, song hiện là lúc điều này sẽ được kiểm nghiệm. Họ có thể hoặc là ủng hộ dự luật, hoặc là lựa chọn sự hỗn loạn."
Tuyên bố của ông Lewis được đưa ra sau khi thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho biết sẽ chỉ đạo đảng này bỏ phiếu chống Dự luật Brexit nếu một số quan ngại liên quan đến việc bảo vệ người lao động, môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng không được giải quyết./.