Vấn đề con tin cản trở cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên

Nhật Bản muốn ưu tiên giải quyết vấn đề con tin người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1960, 1970. Trong khi đó, Bình Nhưỡng nhiều khả năng muốn Tokyo dừng việc gây áp lực tối đa.
Vấn đề con tin cản trở cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: blazingpress.com)

Ngày 29/4, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản.

Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4 vừa qua tại Panmonjom, trong đó Tổng thống Hàn Quốc cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên. Ông Kim Jong Un đã đáp lại rằng Triều Tiên cũng sẵn sàng đàm phán với Nhật Bản.

Theo báo Nihong Keizai, khi hai bên cùng tỏ thiện chí đối thoại, hoàn toàn có thể lạc quan về một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều. Tuy nhiên, sự khác nhau về toan tính của hai bên khiến hai bên sẽ còn phải điều chỉnh nếu muốn cuộc gặp này có kết quả tích cực.

Nhật Bản, với lợi thế về kinh tế, muốn ưu tiên giải quyết vấn đề con tin người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1960, 1970. Trong khi đó, Bình Nhưỡng nhiều khả năng muốn Tokyo dừng việc gây áp lực tối đa, đồng thời nới lỏng các lệnh trừng phạt về kinh tế. Do đó, việc tiếp tục làm căng hay nhượng bộ sẽ là những tính toán đau đầu của hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Triều Tiên.

Điều mà Chính phủ Nhật Bản mong muốn hiện nay là nếu như việc hồi hương tất cả những con tin bị bắt cóc sang Triều Tiên về nước là nhiệm vụ bất khả thi thì chí ít Bình Nhưỡng cũng phải đưa ra những chứng cứ minh bạch và khách quan về số phận của những người này. Nếu như miễn cưỡng đối thoại với Bình Nhưỡng bất chấp không có tín hiệu tích cực về vấn đề con tin, chính quyền Abe sẽ lại lâm vào tình thế khó khăn, có thể nói rằng giống như hoàn cảnh "tự bắn vào chân mình" trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ chính phủ trong nước xuống thấp do các bê bối chính trị vừa qua. Đây là điều mà chính quyền Abe rất đau đầu, vừa muốn tham gia đối thoại để không bị bỏ rơi trong vấn đề Triều Tiên, vừa phải làm yên lòng dư luận trong nước.

Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản và cho biết 8 người trong số đó đã qua đời tại Triền Tiên, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo cho rằng đã có 17 người Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả những công dân Nhật Bản mà Tokyo cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên.

Trong Thỏa thuận Stockholm năm 2014, Triều Tiên từng cam kết sẽ tiến hành điều tra lại vấn đề con tin, tuy nhiên sau đó Bình Nhưỡng đã hủy bỏ cam kết này sau khi Nhật Bản tiến hành các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Tới nay, Thủ tướng Abe vẫn kiên trì lập trường sẽ không nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế đến khi nào Bình Nhưỡng chưa có các hành động cụ thể về phi hạt hân hóa, ngược lại Triều Tiên cho thấy rõ ràng mục đích của họ là nới lỏng các lệnh trừng phạt này. Để có thể ngồi lại và đối thoại trực tiếp với nhau, chính quyền hai nước sẽ còn tiến hành nhiều chiến thuật để thăm dò và điều đình lẫn nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục