Sáng 20/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA): ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế.
Hội thảo nhằm đưa ra những thông tin của nghiên cứu về phân tích sự sẵn sàng của Việt Nam, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện EVFTA; đưa ra các hàm ý chính sách và cải cách thể chế để thu được lợi ích tối đa và hạn chế các tác động tiêu cực của EVFTA.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh EVFTA mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp. Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này.
“Thể chế là yếu tố quyết định, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia,” tiến sỹ Cung nhấn mạnh.
Trong vòng hơn 30 năm qua, Việt Nam đã liên tục thực hiện cải cách thể chế kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Từ năm 1995 và đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và gia nhập WTO, quá trình cải cách thể chế đã được tăng tốc mạnh mẽ.
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Gần đây, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và EVFTA với những cam kết vượt ra ngoài phạm vi việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Với những “FTA thế hệ mới,” cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết giống như TPP, những cam kết trong EVFTA vượt ra khỏi phạm vi của việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Với cam kết sâu rộng như vậy, EVFTA dự kiến sẽ có hai loại tác động trực tiếp liên quan đến các cam kết mà Việt Nam phải đáp ứng bao gồm rà soát văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. Tác động gián tiếp là những tác động không nhất thiết phải từ các quy định trong FTA, nhưng Việt Nam cần phải chú ý nếu muốn tận dụng lợi thế hoặc hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Những tác động này phần lớn đến từ các cải cách thể chế và cơ cấu.
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là trong việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm rất lớn trong vấn đề này. Tuy nhiên, những nỗ lực đó có thành công hay không phải gắn với việc thế giới đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đánh giá về hiệu quả dự kiến của EVFTA đối với Việt Nam, ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh do tính kinh tế quy mô; gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài để khai thác lợi ích của FTA; đồng thời, chắc chắn có các cải cách về thể chế, chính sách làm tăng tính dự đoán và giảm rủi ro; sự bổ trợ từ các nguồn sản xuất chất lượng cao và sự bổ trợ do tăng cường cạnh tranh tích cực...
Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM đã đưa ra các hàm ý đối với thể chế chính sách đối với EVFTA như Chính phủ cần xây dựng một chiến lược quốc gia về cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách. Chiến lược sẽ xác định cơ cấu tổ chức và chính sách để đảm bảo chất lượng của thể chế.
Ngoài ra, sự cần thiết phải điều chỉnh thể chế và chính sách nhằm xác định các nhóm dễ bị tổn thương của việc thực hiện FTA và có cơ chế cần thiết để hỗ trợ cho nhóm người đó. Việt Nam cần phải sửa đổi các quy định về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải thiết lập một quỹ dành cho việc dịch chuyển lao động gây ra bởi việc điều chỉnh cơ cấu do một số lĩnh vực sẽ trở nên bị tổn thương hơn. Quy định liên quan đến di cư trong nước cần được loại bỏ; đồng thời, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ cho người di cư về nhà ở và giáo dục./.