VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Chuyên gia VinaCapital cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và dù thanh khoản hiện đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn gấp 3 lần giai đoạn trước COVID-19.
VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại ảnh 1Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường trong phiên sáng 29/9. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Đà giảm của thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trước những rủi ro bất định về lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với bối cảnh tăng trưởng kinh tế cao, kiểm soát lạm phát tốt, tỷ giá ít biến động…, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 6/10, chia sẻ tại buổi họp báo về Hội nghị nhà đầu tư năm 2022 của VinaCapital diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapita cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường Việt Nam. Bằng chứng là trong bối cảnh thị trường sụt giảm, hội nghị đầu tư của VinaCapital vẫn chào đón gần 100 nhà đầu tư đến từ các nước trên thế giới.

“Hội nghị nhà đầu tư gần nhất được chúng tôi tổ chức trực tiếp là cách đây ba năm và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, có một điều vẫn không thay đổi là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Không nhiều quốc gia có thể vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ như Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng vì các nhà đầu tư đến Việt Nam để nghe và thấy rằng cơ hội đầu tư ở đây nhiều hơn bao giờ hết," ông Don Lam nói.

[Chứng khoán ngày 6/10: Sắc đỏ bao trùm, VN-Index giảm gần 30 điểm]

Theo ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital, sự biến động của thị trường chứng khoán gần đây đã làm không ít nhà đầu tư bất an. Tuy nhiên, điều quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.

“Các công ty được chúng tôi đầu tư, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch. Với sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, chúng tôi tự tin rằng các doanh nghiệp này sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn," ông Andy Ho cho biết.

Các chuyên gia của VinaCapital cho rằng Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bất chấp những khó khăn hiện tại. Điểm khác biệt của Việt Nam đến từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát đang được kiểm soát tốt. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân vẫn đang tăng trưởng mạnh theo xu hướng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong vài năm qua. Thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ kích thích sự phát triển của các chuỗi bán lẻ trong nước theo các nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân Việt Nam.

Trong ba trụ cột của nền kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công, ông Andy Ho cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu có thể giảm đi trong năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dưới áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sự suy giảm ở hai lĩnh vực này vẫn có thể được bù đắp một phần bởi nguồn thu từ du lịch, đặc biệt là khách quốc tế dự báo sẽ được cải thiện trong năm sau. VinaCapital ước tính du lịch quốc tế có thể chiếm khoảng 10% GDP của Việt Nam trong thời gian tới, trong khi hiện đang ở mức bằng 0 do ảnh hưởng của COVID-19.

Song song đó, đầu tư công vào hạ tầng sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong vài năm tới. Đây là trụ cột mà Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam.

VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8% trong năm 2022 và sau đó trở lại mức tăng trưởng khoảng 6-7% mỗi năm như thời kỳ trước dịch COVID-19.

Ngoài ra, các chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng dù thanh khoản hiện đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn gấp 3 lần giai đoạn trước COVID-19. Đặc biệt, nếu tính theo định giá P/E thì thị trường Việt Nam đang ở vùng hấp dẫn và rẻ hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì. Bước sang năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục duy trì mức 19% và cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý khác, nếu so sánh Earning Yield - lợi tức từ việc nắm giữ cổ phiếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) thì hiệu số của 2 tỷ suất đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Điều này cho thấy mức độ hấp dẫn tương đối của việc nắm giữ cổ phiếu so với gửi tiết kiệm. Nếu nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn 5-10 năm, đây sẽ là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu, dù trong ngắn hạn là những bất định về địa chính trị, lạm phát tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục