Xung đột Israel-Palestine: 'Bất ngờ khó chịu' đối với Tổng thống Biden

Chính quyền Joe Biden được cho là đang có kế hoạch cử một nhà ngoại giao cấp trung đến khu vực để đối thoại với các bên, và đó là một khởi đầu tốt.
Xung đột Israel-Palestine: 'Bất ngờ khó chịu' đối với Tổng thống Biden ảnh 1Khói lửa bốc lên từ Tòa tháp Jala, nơi đặt văn phòng một số hãng truyền thông quốc tế, khi tòa nhà này bị trúng không kích của Israel tại Dải Gaza, ngày 15/5/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng cnn.com đưa tin đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc khôi phục đất nước kể từ thời cựu Tổng thống Franklin Roosevelt, Tổng thống Joe Biden đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc sửa chữa “ngôi nhà đổ nát” của nước Mỹ.

Sau đó, ông đã lựa chọn các ưu tiên chính sách đối ngoại một cách cẩn thận - bao gồm Iran, Trung Quốc và vấn đề khí hậu. Rõ ràng, cuộc xung đột không thể hàn gắn giữa Israel và Palestine không phải là ưu tiên hàng đầu của Biden.

Tuy nhiên, Trung Đông vẫn có một thói quen “xấu” là gây bất ngờ cho những ai không chuẩn bị và thiếu thận trọng.

[Mỹ cam kết hợp tác với LHQ để khôi phục hỗ trợ nhân đạo tại Dải Gaza]

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc khủng hoảng hiện tại ở Jerusalem có thúc đẩy chính quyền Biden khởi động một nỗ lực toàn lực để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine hay không.

Tuy nhiên, ở mức tối thiểu, nó sẽ buộc chính quyền Mỹ làm mọi thứ có thể để xoa dịu chiều hướng khủng hoảng này.

Những bùng phát trong quá khứ cho thấy việc có được một nỗ lực ngoại giao đáng kể và có sự phối hợp để làm trung gian hòa giải giữa hai bên là cực kỳ quan trọng - có nghĩa rằng sự can thiệp ngoại giao cấp cao hơn của chính quyền ông Biden là rất cần thiết.

Giờ đây, chúng ta không còn trong giai đoạn “hô hào, cổ vũ”. Điều cần thiết là một nỗ lực ngoại giao đa chiều dựa trên sự phân công rõ ràng - Mỹ đối thoại với Israel; các đối tác Arab và châu Âu của Mỹ đàm phán với Hamas ở Gaza và chính quyền Palestine (Fatah) ở Bờ Tây. Tất nhiên, giữa các bên liên quan phải có sự hợp tác, phối hợp và liên lạc chặt chẽ.

Ai Cập đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 tuần hồi năm 2014 bằng cách đàm phán một loạt lệnh ngừng bắn giúp giảm dần bạo lực giữa người Israel và người Palestine.

Qatar, quốc gia đã hỗ trợ cho chính phủ Hamas ở Gaza trong quá khứ, cũng có thể được huy động.

Và nếu Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Washington, nước này có thể sẵn sàng đóng một vai trò mang tính xây dựng, trong bối cảnh Israel cũng phải thể hiện lập trường tương tự.

Mỹ và các nước khác cũng phải bắt tay với các nước tham gia Hiệp ước Abraham gần đây, đặc biệt là Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Maroc, để xác định những gì có thể được thực hiện.

Bốn quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào mùa Hè năm ngoái - UAE, Bahrain, Sudan và Maroc - có sức ảnh hưởng, đặc biệt là với công chúng Israel, những người đã chào đón các mối quan hệ mới một cách hài lòng.

Mặc dù một lệnh ngừng bắn khác có thể là cần thiết, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên. Bước tiếp theo là xác định cách củng cố hành động xuống thang và ngăn chặn một vòng xoáy leo thang khác.

Israel và Hamas đã theo đuổi một lệnh ngừng bắn dài hạn cùng với việc giảm áp lực của Israel đối với Gaza.

Các cuộc đàm phán này đã không có kết quả tốt đẹp, cũng giống như các nỗ lực của Hamas-Fatah nhằm chấm dứt sự chia rẽ nội bộ gay gắt trong giới lãnh đạo Palestine để tạo ra một chính phủ thống nhất.

Sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoãn các cuộc bầu cử lập pháp, có thể Hamas sẽ không thống nhất với Fatah cũng như không từ bỏ quyền kiểm soát Gaza.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là ngăn chặn bất kỳ sự cố nào ở Jerusalem bùng phát thành một cuộc xung đột lớn trên toàn quốc.

Xung đột Israel-Palestine: 'Bất ngờ khó chịu' đối với Tổng thống Biden ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để bắt đầu giải quyết vấn đề này, chính quyền Biden sẽ cần đánh giá tình hình, cụ thể là mức độ mà những người định cư và các môn đệ của nhà lãnh đạo cực đoan quá cố Meir Kahane đã kích động cuộc khủng hoảng này.

Các nhân vật cực đoan, bao gồm một số chính trị gia cánh hữu của Israel, đã gia tăng nỗ lực nhằm trục xuất các cư dân Palestine khỏi một khu phố ở Đông Jerusalem.

Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải làm nhiều hơn nếu họ muốn buộc chính phủ Israel ngăn chặn các vụ trục xuất ở Đông Jerusalem, bắt giữ và truy tố những người định cư cực đoan, những người đang thổi bùng ngọn lửa, và khẳng định nguyên trạng lịch sử tại Haram al-Sharif /Núi Đền.

Đồng thời, chính quyền Biden phải nói rõ với chính quyền Palestine rằng họ cũng phải ngừng sử dụng vấn đề Jerusalem trong các phát biểu và trên mạng xã hội của họ để khích động các cử tri.

Thảm kịch thực sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay là chúng ta không thể hình dung - ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai gần - một con đường để người Palestine và người Israel chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ của họ.

Chúng ta đã từng xem “bộ phim bi thảm” này trước đây, và mỗi lần nó lại diễn ra theo một kịch bản có thể đoán trước, trong đó dân thường phải chịu đau thương vì thất bại của các nhà lãnh đạo của họ.

Thực tế là hầu hết mọi bước đột phá trong cuộc xung đột này đều diễn ra sau chiến tranh, bạo lực và nổi dậy.

Tuy nhiên, chính các nhà lãnh đạo thực sự - như Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin hồi những năm 1970 và Vua Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào những năm 1990 - đã thay đổi hướng đi và dẫn dắt đất nước của họ trên con đường hướng tới hòa bình. Hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng các nhà lãnh đạo như vậy.

Cuộc khủng hoảng gần đây cho thấy sự yếu kém và không phù hợp của ông Abbas - người đã bị chỉ trích vì hoãn các cuộc bầu cử theo kế hoạch ở Palestine, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người đã không thể thành lập chính phủ mới và đang vật lộn để duy trì sự nghiệp chính trị.

Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình đang xấu đi, hiện giờ là lúc để thay đổi các chu kỳ đau thương và chiến tranh lặp đi lặp lại vốn không dẫn đến kết quả nào khác.

Tất cả mọi người - chính quyền ông Biden, các nước Arab, châu Âu và trên hết là người Israel và người Palestine - đều phải hành động chứ không phải chỉ đưa ra các tuyên bố.

Thật vậy, nếu không có sự tham gia của Israel và Palestine, sẽ không có áp lực hay sự lôi kéo nào từ bên ngoài giúp chấm dứt cái sẽ trở thành một cuộc xung đột bất tận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục