Yếu tố có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc-Australia leo thang

Trung Quốc sẽ suy tính cẩn thận trước khi hành động, nhưng rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia cũng là một khả năng không loại trừ.
Yếu tố có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc-Australia leo thang ảnh 1Rượu vang Australia được bày bán tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang China Affairs, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Australia tiếp tục leo thang căng thẳng, tháng trước Chính phủ Liên bang Australia đã hủy bỏ hai thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do chính quyền bang Victoria ký với Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động tiếp theo của cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược giữa hai nước.

Ngày 3/5, thông tin Australia xem xét lại thỏa thuận cho công ty Trung Quốc thuê một cảng trọng yếu ở phía Bắc Australia đã khiến cho quan hệ Trung Quốc-Australia vốn đang căng thẳng nhận thêm một đòn giáng bất ngờ.

Năm 2015, vùng lãnh thổ phía Bắc Australia (Northern Territory) ký thỏa thuận, đồng ý cho Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong thời hạn 99 năm.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của Chính phủ Australia nhấn mạnh, sau khi thông qua tư vấn, Chính phủ Australia sẽ xem xét và đánh giá lại liệu có cần viện dẫn dự luật đầu tư nước ngoài được thông qua năm 2020, sử dụng quyền lực của chính phủ để hủy bỏ thỏa thuận này với lý do an ninh quốc gia hay không.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Peter Dutton xác nhận với Sydney Morning Herald, các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng Australia đang xem xét lại thỏa thuận này.

BBC trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho biết, hiện nay rất khó để đánh giá khả năng thỏa thuận cuối cùng bị hủy bỏ, nhưng một khi xảy ra kịch bản như vậy thì sẽ là một động thái “cực kỳ nghiêm trọng” đối với sự thay đổi của quan hệ Trung Quốc-Australia.

Năm 2020, Australia đã tiến hành sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, trao quyền truy cứu cho Chính phủ Liên bang, có thể bổ sung các điều khoản mới đối với những thỏa thuận đã phê duyệt, thậm chí bắt buộc thoái vốn.

Hai cách giải thích

Theo Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-Australia James Laurenceson, hiện nay chưa thể xác định rõ liệu thỏa thuận cho thuê cảng Darwin có bị hủy bỏ hay không. Năm 2015, cơ quan quốc phòng và an ninh Australia đã thẩm tra thỏa thuận này và kết luận không có vấn đề.

Đến năm 2018, Ngoại trưởng Australia đương nhiệm lúc đó là Julie Bishop vẫn nhắc lại lập trường tương tự khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh địa phương Darwin: Bộ Quốc phòng đã xem xét các vấn đề liên quan, hoàn toàn không có vấn đề đáng lo ngại về phương diện an ninh.

[Phân tích việc Trung Quốc đình chỉ đàm phán thương mại với Australia]

Đây sẽ là một thỏa thuận rất hiệu quả đối với Darwin. Cuối tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison vẫn nói rằng chưa nhận được các ý kiến phản ánh tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia liên quan đến dự án cảng Darwin.

Ông Laurenceson nhận định đối với những động thái mới nhất hiện nay của Chính phủ Australia, có thể hiểu theo hai cách: Một khả năng là tự giải thích, không hủy bỏ thỏa thuận, nghĩa là đã tham vấn Bộ Quốc phòng một lần nữa và không có vấn đề gì trở ngại; Một khả năng khác là tạo ra lý do ngụy trang cho Chính phủ Australia, thông báo với Trung Quốc rằng Australia đang tham vấn các cơ quan chức năng của mình và được biết hiện nay môi trường đã có nhiều thay đổi, do đó cần phải hủy bỏ thỏa thuận này. Hiện vẫn chưa thể xác định khả năng nào chiếm ưu thế.

Quan ngại về an ninh

Năm 2015, thông qua đấu thầu, công ty Landbridge của Trung Quốc đã giành được quyền thuê cảng Darwin với mức giá 390 triệu USD, nhưng ngay sau đó giới truyền thông Australia đưa tin công ty này có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.

Không lâu sau khi đạt được thỏa thuận, tập đoàn truyền thông Australia (ABC) đã dẫn nguồn tin giấu tên từ quan chức cao cấp quân đội Australia nhấn mạnh, cảng Darwin cho Trung Quốc thuê có liên quan đến an ninh, dẫn đến làn sóng thảo luận công khai rộng rãi.

Cảng Darwin từng bị quân đội Nhật Bản không kích trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ở mức độ nhất định được coi là tiền tuyến chiến lược gần châu Á nhất của vùng lãnh thổ phía Bắc Australia.

Cùng với sức ảnh hưởng kinh tế tiếp tục mở rộng, cũng như tham vọng quân sự của Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương gần Australia ngày càng bộc lộ rõ trong những năm gần đây, nên thỏa thuận cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin đã dẫn đến nhiều suy luận khác nhau.

Năm 2015, Malaysia và Trung Quốc đạt được thỏa thuận, cho phép tàu hải quân Trung Quốc sử dụng cảng Kota Kinabalu ở bang Sabah làm “địa điểm dừng chân trung chuyển.”

Khi đó chuyên viên nghiên cứu Geoff Wade thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) đã viết rằng “chỉ có những người ngây thơ nhất” mới nghĩ rằng quân đội Trung Quốc không có ý định sử dụng cảng Darwin bằng phương thức tương tự.

Thỏa thuận chỉ cho phép công ty Landbridge vào cảng thương mại Darwin, và không thể mời hải quân đến thăm dưới bất cứ hình thức nào nếu không được sự phê chuẩn của Chính phủ Australia.

Tuy nhiên, do cảng Darwin đồng thời cũng là nơi đóng quân của quân đội Australia và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, nên tiếng nói phản đối thỏa thuận vẫn cho rằng việc cho công ty Trung Quốc thuê dùng sẽ gây nên mối đe dọa về an ninh.

Vào thời điểm đó các mối đe dọa mà giới truyền thông Australia đề cập bao gồm nghe trộm thông tin tình báo các tàu quân sự, công ty Trung Quốc phong tỏa cảng theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc…

Tuy nhiên, các quan chức cao cấp của các cơ quan an ninh như Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quốc phòng, Tổng Giám đốc Tổ chức Tình báo và An ninh Australia (ASIO)… lập tức công khai lên tiếng xóa tan những lo ngại liên quan đến phương diện an ninh.

Tổng tư lệnh lực lượng quốc phòng Australia Mark Binskin vào thời điểm đó đã phát biểu trước Quốc hội: “Tôi có thể ngồi ở cảng Darwin ngay bây giờ để xem thuyền vào ra, bất kể là của ai;” Thủ tướng Australia đương nhiệm lúc bấy giờ là Malcolm Turnbull cũng lên tiếng nhấn mạnh pháp luật Australia đã có quy định, trong bất cứ tình huống nào được cho là liên quan đến an ninh quốc gia, chính phủ cũng đều có thể can thiệp và tiếp quản các cơ sở hạ tầng, bao gồm bến cảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia lúc đó là Dennis Richardson cũng nói rằng bất cứ tàu quân sự nước ngoài nào muốn vào cảng đều phải có giấy phép ngoại giao, đồng thời chỉ trích phát biểu của Geoff Wade là “không có căn cứ thực tế.”

Theo chuyên gia James Laurenceson, sở dĩ thỏa thuận cho thuê cảng Darwin một lần nữa làm dấy lên tranh cãi là do những thay đổi về bối cảnh môi trường lớn trong quan hệ Trung Quốc-Australia.

Ông Laurenceson nhấn mạnh, khi tuyên bố thỏa thuận này vào năm 2015, những tiếng nói phản đối nổi lên khi đó và những tiếng nói muốn hủy bỏ thỏa thuận hiện nay là cùng một làn sóng. Tuy nhiên, điều khác biệt là so với năm 2015, thì môi trường quan hệ Trung Quốc-Australia hiện nay rất có thể phù hợp hơn với quan điểm của họ.

Xoay quanh thỏa thuận cảng Darwin, rất nhiều người nêu ra các “nỗi lo mơ hồ”, song lại rất ít người đề cập chi tiết, chẳng hạn như lo ngại chương trình gián điệp hay liên quan đến việc tiếp cận cảng? Nếu có liên quan đến những vấn đề này, thì đó là những rủi ro có thể kiểm soát và cơ quan an ninh Australia đã công khai tuyên bố.

Sự leo thang kịch tính

Quan hệ Trung Quốc-Australia tiếp tục xấu đi trong 2 năm gần đây, lập trường hai bên ngày càng trở nên cứng rắn. Chuyên gia Laurenceson cho rằng nếu thỏa thuận cho thuê cảng Darwin cuối cùng bị hủy bỏ sẽ là một sự “leo thang kịch tính” theo hướng tiêu cực trong quan hệ Trung Quốc-Australia vốn đã hết sức tồi tệ.

Đây là một thỏa thuận thương mại có sự ràng buộc pháp lý, khác với thỏa thuận BRI của bang Victoria mà Chính phủ Australia viện dẫn “Đạo luật chính sách thu xếp ngoại giao” (Foreign Arrangements Scheme) để hủy bỏ trước đó.

Cách đây hai tuần, thỏa thuận mà Chính phủ Australia hủy bỏ là một bản ghi nhớ (MOU). Đây là một thỏa thuận không có sự ràng buộc pháp lý giữa chính quyền bang với Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê cảng Darwin là một thỏa thuận thương mại, có căn cứ pháp lý, do đó nếu muốn hủy bỏ thì Australia cần phải có nhiều điều kiện hơn.

Theo chuyên gia Laurenceson, đầu tiên cần xác lập cơ sở cho việc hủy bỏ thỏa thuận, sau đó Chính phủ Australia phải giải thích cho công chúng lý do tại sao 2 năm trước lại nói rằng hoàn toàn không có vấn đề gì.

Năm 2020 Australia thông qua “Đạo luật quan hệ đối ngoại” (Foreign Relations Bills), khi trao quyền phủ quyết cho Chính phủ Liên bang đối với các thỏa thuận mà chính quyền bang, chính quyền địa phương và các trường Đại học của Australia đạt được với nước ngoài, Ngoại trưởng đương nhiệm lúc đó còn nói rõ thỏa thuận cảng Darwin sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này bởi vì nó là một thỏa thuận thương mại.

Sự thay đổi của quan hệ Trung Quốc-Australia trong một năm qua chủ yếu được thể hiện ở xung đột thương mại và hủy bỏ một số thỏa thuận lỏng lẻo. Tuy nhiên, dự án hợp tác cảng Darwin lại là một thỏa thuận thương mại có hiệu lực pháp lý.

Ông Laurenceson giải thích rằng Trung Quốc tuyên bố dừng tất cả hoạt động của cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia vào ngày 6/5 là phản ứng trực tiếp đối với việc Chính phủ Australia hủy bỏ thỏa thuận BRI của bang Victoria, không trực tiếp liên quan đến cảng Darwin. Tuy nhiên, nếu Australia tiếp tục hủy bỏ thỏa thuận cảng Darwin có sự ràng buộc pháp lý, thì Trung Quốc có thể sẽ đưa ra động thái đáp trả.

Theo phân tích của chuyên gia Laurenceson, đối với việc hủy bỏ một thỏa thuận thương mại có sự ràng buộc pháp lý, Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải đáp trả bằng hình thức tương ứng, đây chính là cái gọi phản ứng “ăn miếng trả miếng.”

Trong bối cảnh đó, yếu tố tiếp theo cuốn vào cơn sóng gió này có thể chính là Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia.

Trung Quốc sẽ suy tính cẩn thận trước khi hành động, nhưng rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia cũng là một khả năng không loại trừ. Nếu Australia chỉ hủy bỏ thỏa thuận BRI, thì sẽ không hợp lý khi Trung Quốc hủy bỏ hiệp định thương mại tự do, bởi vì một bên là thỏa thuận không có sự ràng buộc pháp lý, một bên là hiệp định có sự ràng buộc pháp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục