Bầu cử Anh 2017: Tranh luận trực tiếp giữa đại diện 7 chính đảng

Tối 31/5, đại diện 7 chính đảng Anh đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình BBC về những vấn đề mà cử tri Anh quan tâm trong cuộc chạy đua nước rút ở tuần cuối cùng trước bầu cử.
Bầu cử Anh 2017: Tranh luận trực tiếp giữa đại diện 7 chính đảng ảnh 1Quang cảnh cuộc tranh luận trực tiếp. (Nguồn: rte.ie)

Theo phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh, tối 31/5, đại diện 7 chính đảng Anh đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình BBC về những vấn đề mà cử tri Anh quan tâm trong cuộc chạy đua nước rút ở tuần cuối cùng trước khi Anh chính thức bước vào cuộc tổng tuyển trước thời hạn vào ngày 8/6.

Đây là cuộc tranh luận lớn nhất trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra tại Anh.

Tham gia tranh luận có Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd đại diện đảng Bảo thủ cầm quyền, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Tim Farron, Phó Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland Angus Robertson, lãnh đạo đảng Xanh Caroline Lucas, lãnh đạo đảng Độc lập Anh Paul Nutall, và đảng Plaid Cymru của xứ Wales Leanne Wood.

Việc Thủ tướng Anh Theresa May, Chủ tịch đảng Bảo thủ, không tham dự mà cử Bộ trưởng Rudd đã bị lãnh đạo các đảng tham gia tranh luận chỉ trích gay gắt.


[Bầu cử Anh: Công đảng bám đuổi quyết liệt trong giai đoạn nước rút]

Tại cuộc tranh luận, đại diện các đảng đã trình bày quan điểm về những vấn đề như làm thế nào để nâng được mức sống của người dân; nước Anh làm thế nào để có đủ lao động tay nghề cao thời hậu Brexit; nguồn tiền sẽ được lấy từ đâu để chi cho cải thiện dịch vụ công; làm thế nào để nước Anh được an toàn hơn; và các đảng sẽ dẫn dắt nước Anh như thế nào nếu thắng cử.

Về vấn đề phúc lợi xã hội, quan điểm của Công đảng là xóa bỏ bớt khoảng cách giàu nghèo, và những thay đổi trong chính sách dịch vụ công là nhằm giúp đỡ đại đa số người dân chứ không phải cho một bộ phận nhỏ trong xã hội. Đảng Bảo thủ cũng bị Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Dân tộc Scotland, đảng Xanh chỉ trích về chính sách chăm sóc xã hội của đảng. Tuy nhiên bà Rudd cho rằng chính sách của đảng Bảo thủ là để giúp người già đảm bảo giữ được 1 số tiền nhất định và giúp hệ thống phúc lợi xã hội cho người già được bền vững.

Đảng Bảo thủ cũng tấn công Chủ tịch Công đảng Cobyrn khi cho rằng ông không phải là người được chuẩn bị kỹ càng để có thể dẫn dắt nước Anh đàm phán vấn đề Brexit với EU. Bà Rudd khẳng định chỉ có Thủ tướng đương nhiệm Theresa May mới là người lãnh đạo phù hợp nhất trong vấn đề này.

Về việc làm thế nào để nước Anh được an toàn hơn, ông Corbyn cho rằng nước Anh cần tăng lại số lượng nhân viên cảnh sát như trước đây. Theo ông, cần phải tôn trọng vấn đề nhân quyền của các nước khác cũng như không nên ném bom nước khác. Tại Anh, các tôn giáo sống hòa thuận bên nhau, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo. Trong khi đó, đảng Bảo thủ lại cho rằng cần phải tăng thêm ngân sách và bổ sung nhân sự tham gia lực lượng chống khủng bố để giúp nước Anh được an toàn hơn.

Liên quan đến vấn đề nhập cư, quan điểm của Công đảng là ủng hộ quyền được sinh sống và làm việc của công dân EU tại Anh, ủng hộ một hệ thống nhập cư công bằng hơn, cho phép người đến Anh có việc làm được nhập cảnh. Một số đảng khác như đảng Xanh cũng ủng hộ quyền tự do đi lại tìm việc, trong khi đảng Dân chủ Tự do ủng hộ tiếp tục có chính sách nhập cư đa dạng đối với những ngành nghề lao động mà nước Anh cần đến. Về phần mình, đảng Bảo thủ khẳng định cần cắt giảm lượng người nhập cư vào Anh để kiểm soát tốt nhiều vấn đề, từ an sinh cho đến an ninh xã hội.

Kết thúc cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, Bộ trưởng Rudd, đại diện cho đảng Bảo thủ cầm quyền, khẳng định chính phủ Anh cần phải thực sự mạnh mẽ để dẫn dắt đất nước trong tiến trình đàm phán Brexit vô cùng quan trọng với EU, và người làm được việc đó chỉ có thể là Thủ tướng May.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng - đảng đối lập lớn nhất, ông Corbyn tuyên bố lựa chọn lúc này là giữa chính phủ của Công đảng hay của đảng Bảo thủ, kêu gọi cử tri chọn Công đảng bởi mục tiêu của đảng là giúp thay đổi cuộc sống cho đại đa số người dân Anh. Lãnh đạo các đảng khác cũng kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho đảng mình, ngoại trừ Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Farron kêu gọi người dân không bỏ phiếu cho Thủ tướng May, khẳng định việc bà không tham dự cuộc tranh luận trực tiếp này cho thấy bà không tôn trọng mọi người.

Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng là đảng bị chỉ trích nhiều nhất từ các đảng khác trong thời gian diễn ra tranh luận. Đảng Bảo thủ tiếp tục lấy vấn đề Brexit và nhập cư làm điểm mạnh để thu hút cử tri, trong khi Công đảng tập trung vào vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua những chính sách an sinh xã hội như y tế, giáo dục, công bằng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục