Chính phủ Pháp đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới

Với việc một lần nữa viện dẫn Hiến pháp để thông qua dự luật lao động sửa đổi mà không cần quốc hội thông qua, Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls có nguy cơ đối mặt với bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Chính phủ Pháp đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới ảnh 1Thủ tướng Pháp Manuel Valls. (Nguồn: AFP)

Ngày 5/7, trong lần xem xét thứ hai tại Quốc hội, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã một lần nữa sử dụng điều 49-3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật lao động sửa đổi mà không cần quốc hội bỏ phiếu thông qua.

Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Valls nhấn mạnh hành động của ông là vì "lợi ích chung" của nhân dân Pháp và là cần thiết để thúc đẩy thị trường lao động sau nhiều thập kỷ quốc gia này phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Pháp sử dụng điều 49-3 cho gói cải cách này vì không thể trông đợi vào lá phiếu của đảng Xã hội ở quốc hội.

Những người phản đối dự luật lập luận rằng văn kiện trên đã đi quá xa, đe dọa các quyền cơ bản của người lao động vốn luôn được luật pháp nước này bảo vệ, thậm chí nhiều nghị sỹ thuộc đảng Xã hội còn đe dọa tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Valls.

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp có nguy cơ lại đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới. Hôm 12/5, Chính phủ Pháp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo kiến nghị của phe đối lập sau khi lần đầu tiên sử dụng điều 49-3 để ban hành các điều khoản sửa đổi luật lao động gây tranh cãi trên.

Dự luật vừa được Chính phủ thông qua lần thứ hai sẽ được chuyển lại cho Thượng viện xem xét lần nữa, sau đó sẽ được trình trở lại Quốc hội vào cuối tháng này để xem xét lần cuối cùng.

Theo chủ trương của Chính phủ Pháp, Luật lao động mới này tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao trong nhiều năm qua tại nước này.

Tuy nhiên, Luật lao động mới đã châm ngòi cho loạt cuộc đình công, tuần hành và biểu tình trong suốt 4 tháng qua tại Pháp. Bộ Nội vụ Pháp cho biết kể từ khi phong trào phản đối dự luật lao động nổ ra đến nay, có hơn 2.500 sự kiện lớn nhỏ đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, gần 20 cuộc tuần hành đã diễn ra tại thủ đô Paris. Khoảng 2.000 người đã bị bắt và hàng trăm cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Dự kiến, một cuộc tuần hành mới với sự tham dự của hàng nghìn người được tổ chức trước khi kỳ nghỉ Hè bắt đầu.

Điều 49-3 trong Hiến pháp Pháp quy định một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện tới điều khoản này thì quốc hội lại có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ. Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Pháp đang ở mức 10%, tuy nhiên, tỷ lệ này ở lao động trẻ lại ở mức khá cao, gần 25%. Có tới hơn 3,5 triệu người tại Pháp đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục