Tây Ban Nha chưa thoát khỏi bế tắc trong việc thành lập Chính phủ

Đảng cực tả Podemos (Chúng ta có thể) của Tây Ban Nha ngày 24/2 tuyên bố hoãn cuộc đàm phán với đảng Xã hội (PSOE) nhằm thành lập một chính phủ liên minh.
Tây Ban Nha chưa thoát khỏi bế tắc trong việc thành lập Chính phủ ảnh 1Người đứng đầu PSOE Pedro Sanchez (trái) và người đứng đầu Ciudadanos Albert Rivera sau khi ký thỏa thuận tại Madrid ngày 24/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng cực tả Podemos (Chúng ta có thể) của Tây Ban Nha ngày 24/2 tuyên bố hoãn cuộc đàm phán với đảng Xã hội (PSOE) nhằm thành lập một chính phủ liên minh, gây khó khăn cho nỗ lực cùa PSOE trong nỗ lực thành lập một Chính phủ mới của nước này kể từ sau cuộc bầu cử cách đây gần 10 tuần.

Podemos đưa ra tuyên bố này ngay sau khi PSOE và đảng Ciudadanos (Công dân) theo đường lối trung tả ký với nhau thỏa thuận thành lập "chính phủ cải cách và tiến bộ."

Trước đó, ngày 22/2, Podemos đã nhất trí tham gia đàm phán với PSOE và một số đảng cánh tả khác để thành lập một chính phủ liên minh.

Sự ủng hộ của Podemos có ý nghĩa quan trọng đối với PSOE của ông Pedro Sanchez khi ông này đang nỗ lực tìm được đủ sự ủng hộ từ phía các nhà lập pháp để trở thành Thủ tướng khi họ bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối chương trình hành động của Chính phủ do ông soạn thảo vào tuần tới.

Tuy nhiên, Podemos luôn từ chối gia nhập một liên minh cũng bao gồm Ciudadanos, mà thay vào đó thúc đẩy một liên minh cánh tả để nhà lãnh đạo của đảng này - ông Pablo Iglesias - làm Phó Thủ tướng.

Như vậy, ông Sanchez sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn vào tuần tới để giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với chương trình hành động cho Chính phủ của ông.

Ông cần một đa số tuyệt đối - tức 176 phiếu - trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra ngày 2/3.

Cuộc bỏ phiếu này hầu như chắc chắn sẽ thất bại, đưa đến một cuộc bỏ phiếu khác 48 giờ sau đó, trong đó ông chỉ cần một đa số tối thiểu. Song, đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn.

Nếu ông Sanchez thất bại, Tây Ban Nha có thể buộc phải tổ chức tổng tuyển cử lại vào mùa hè.

Trong khi Tây Ban Nha đang dần thoát khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhiều người cho rằng một cuộc bầu cử sớm sẽ là một thảm họa đối với đất nước, đặt biệt khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy kết quả nhìn chung cũng sẽ giống như cuộc bầu cử tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái.

Gần 10 tuần đã qua kể từ sau bầu cử, Tây Ban Nha vẫn chưa thể có chính phủ do không có đảng nào chiếm đa số ghế.

Ngày 22/1, quyền Thủ tướng Mariano Rajoy đã từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ mới sau khi không có đủ sự ủng hộ tại quốc hội.

Đảng Nhân dân (PP) của ông Rajoy chỉ giành được 123 ghế trong quốc hội, một khoảng cách khá xa so với đa số tuyệt đối 176 ghế cần có.

Thủ lĩnh PSOE Pedro Sanchez sau đó đã được Nhà vua Tây Ban Nha chỉ định làm ứng viên chức thủ tướng và tổ chức đàm phán với các đảng khác nhằm vận động sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra ngày 2/3 tới.

Đảng PSOE của ông Sanchez chỉ có 89 ghế trên tổng số 350 ghế quốc hội, vì vậy ông này cần sự ủng hộ của ít nhất vài đảng nữa - một nhiệm vụ khó khăn khi các đảng tại Tây Ban Nha luôn tồn tại xung đột về chương trình hành động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục