Bóng đá Gaelic - môn thể thao truyền thống của người Ireland, sẽ đến Việt Nam thông qua Giải đấu Thanh niên Châu Á (AYC) 2016 tổ chức tại Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao đặt tại Mỹ Đình, Hà Nội vào 9 giờ 30 phút sáng ngày 19/11.
Sẽ có khoảng 150 cầu thủ trẻ tham gia thi đấu tại nhiều độ tuổi, với 14 đội từ năm trường/câu lạc bộ từ Việt Nam và ba câu lạc bộ từ Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul và Gimhae (Hàn Quốc). Mặc dù bóng đá gaelic được coi là một môn thể thao đặc biệt của Ireland, nhưng nhiều đội có các cầu thủ nòng cốt là người Việt Nam và người Ireland, cũng như các quốc tịch khác từ châu Âu, châu Á.
Bóng đá Gaelic là môn thể thao cổ truyền của người Ireland. Bóng đá Gaelic là sự kết hợp và pha trộn của bóng đá, bóng bầu dục và bóng ném. Các cầu thủ ghi bàn bằng cách đá bóng vọt xà ngang vào giữa hai cột lớn (1 điểm) hoặc sút bóng vào cầu gôn có thủ môn trấn giữ (3 điểm).
Bóng đá Gaelic kết hợp các động tác cầm bóng, xoay người, ném bóng bằng tay, di chuyển, lừa bóng, dẫn bóng bằng chân. Có một hệ thống luật giới hạn các hành động của cầu thủ bằng chân và tay.
Mỗi đội bóng Gaelic có 15 người trên sân. Khác với bóng đá, hệ thống chiến thuật của Gaelic ổn định qua hàng thập kỷ với sơ đồ 6-2-6 gồm một thủ môn, sáu hậu vệ, hai tiền vệ và một tiền đạo.
Đây là môn thể thao phổ biến nhất ở Ireland và là một trong bốn môn thể thao truyền thống của Hiệp hội thể thao Gaelic - một tổ chức thể thao không chuyên mang tính văn hóa ở Ireland. Bóng đá Gaelic được người Ireland chơi từ rất lâu nhưng mới được đưa vào hệ thống hóa từ năm 1887. Bản thân bóng đá Gaelic từng được đưa vào thi đấu tại Olympic hai lần hồi năm 1900 và 1904.
Ngày nay, các sự kiện bóng đá Gaelic ở Ireland được tổ chức với quy mô và sức hấp dẫn không thua gì bóng đá. Những sân bóng chật kín hàng chục nghìn khán giả mỗi khi các đội bóng Gaelic thi đấu. Giải Gaelic lớn nhất thế giới là giải vô địch bóng đá Gaelic chuyên nghiệp toàn Ireland bắt đầu diễn ra từ năm 1888. Giải đấu có 31 đội Ireland và 2 đội nước ngoài (Anh, Mỹ). Câu lạc bộ Kerry hiện là đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử với 37 danh hiệu trong khi Dublin là đương kim vô địch mùa 2016.
Điểm đặc biệt của bóng đá Gaelic là khi đưa vào thi đấu phong trào, môn bóng đá này trao cơ hội bình đẳng cho các cầu thủ nam, nữ cùng thi đấu trong một đội. Giống như bóng đá, người chơi bóng đá Gaelic cũng dễ dàng lập các đội bóng nhỏ, thi đấu trên các mặt sân nhỏ với đủ mọi loại kích thước, thích hợp với môi trường đô thị.
Bóng đá Gaelic hiện đã có mặt ở Việt Nam nhờ sự nỗ lực của Đại sứ quán Ireland. Dù chưa nhiều, một số đội bóng Gaelic đã thi đấu và lôi kéo người người Việt Nam tham gia. Tham vọng của Ireland là tiếp tục tìm thêm nhiều người chơi mới ở Việt Nam./.