Anh và EU bất đồng về các quy định trong giai đoạn chuyển tiếp

Nguồn tin Chính phủ Anh ngày 29/1 cho hay Thủ tướng Anh Theresa May​ sẽ bác bỏ đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Anh và EU bất đồng về các quy định trong giai đoạn chuyển tiếp ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn tin Chính phủ Anh ngày 29/1 cho hay Thủ tướng Anh Theresa May​ sẽ bác bỏ đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit.

Các nhà đàm phán phía Anh dự kiến cũng sẽ bước vào các cuộc đàm phán với EU trong tuần tới với lập trường khác biệt trong các vấn đề tự do đi lại và việc Anh sẽ phải tuân thủ mọi quy định mới của EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trước đó cùng ngày, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, nhấn mạnh Anh cần phải tuân thủ tất cả các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp nếu nước này muốn đạt được thỏa thuận, song “xứ sở ​Sương mù” sẽ không có tiếng nói đối với bất kỳ điều luật mới nào được đưa ra.

Lập trường đàm phán chính thức của Brussels vừa công bố cũng yêu cầu việc duy trì tự do đi lại cho tới cuối giai đoạn chuyển tiếp mà EU dự kiến kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Nhiều khả năng Thủ tướng May sẽ không chấp nhận việc tự do đi lại hoàn toàn trong giai đoạn chuyển tiếp.

Thay vào đó, bà sẽ yêu cầu EU chấp nhận đề xuất của Anh về chương trình đăng ký nhân thân cho công dân EU đến Anh, mà không kèm theo đảm bảo họ sẽ được phép ở lại.

[EU đưa ra lập trường về giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit]

Chính phủ Anh hiện muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 2 năm, trong khi EU muốn giai đoạn này diễn ra trong 21 tháng.

Phát biểu tại một ủy ban của Hạ viện, ông David Davis, Bộ trưởng Brexit của Anh, cho biết sẽ có “tranh cãi” khi đàm phán Brexit bắt đầu trong tuần tới liên quan đến việc Anh phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

Mặc dù ông Davis thừa nhận rằng quan hệ Anh-EU về cơ bản sẽ không thay đổi sau Brexit, song bà May vẫn chịu sức ép ngày càng tăng từ phía những người ủng hộ Brexit trong việc phải giành được một số nhượng bộ của EU.

Những người ủng hộ Brexit cho rằng việc chấp nhận những quy định của EU sẽ biến nước Anh thành một “nước chư hầu” của EU trong giai đoạn chuyển tiếp và các nhà đàm phán của Chính phủ Anh sẽ bị yêu cầu phải bác bỏ các đề xuất trên khi các cuộc đàm phán Brexit bắt đầu vào ngày 5/2 tới.

Thủ tướng May hiện cũng đang đối mặt với sự phản đối của khoảng 60 nghị sỹ đảng Bảo thủ theo đường lối ủng hộ Brexit liên quan kế hoạch thông qua điều luật cho phép Anh tham gia liên minh hải quan sau Brexit.

Các nghị sỹ này lo ngại rằng việc tham gia liên minh hải quan dưới bất kỳ hình thức nào sau Brexit sẽ ngăn cản Anh ký kết thỏa thuận thương mại với các nước khác khi còn bị ràng buộc bởi chính sách thương mại của EU.

Trong tuần này, Thủ tướng May sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay thăm Trung Quốc, nhằm thể hiện quyết tâm của Chính phủ Anh trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với các nước trên toàn thế giới sau Brexit.

Dự kiến bà sẽ thăm Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục