Hiệp hội thực phẩm và đồ uống của Anh (FDF) vừa công bố số liệu thống kê cho hay kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của nước này trong năm 2015 giảm lần đầu tiên trong 11 năm trở lại đây.
Tuy vậy, sự yếu đi của đồng bảng Anh hứa hẹn sẽ giúp các công ty trong lĩnh vực xuất khẩu của Xứ sở Sương mù phục hồi trong năm 2016.
Theo FDF, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của Anh giảm 4% xuống còn 12,3 tỷ bảng Anh (17,31 tỷ USD) trong năm 2015, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2004, chủ yếu do xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh, giảm 6%.
Xét tổng thể, xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của nước này tăng lên về mặt khối lượng, song việc tỷ giá đồng bảng - vốn ở mức cao trong năm vừa qua - là nhân tố khiến xuất khẩu các mặt hàng này giảm sút về mặt giá trị.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của Anh sang Đức giảm 10%, còn sang Ireland, Pháp, Hà Lan và Bỉ giảm 7%. Thị trường EU hiện đóng góp trên 70% kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của Anh.
Bên ngoài EU, Trung Quốc lần đầu tiên đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn lớn nhất của Anh trong năm 2015, với kim ngạch đạt 238 triệu bảng (335 triệu USD), tăng 9% so với năm 2014, nhờ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chè, thịt lợn và sữa. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống không cồn của Xứ sở Sương mù sang thị trường Mỹ trong cùng thời gian này giảm 3% xuống còn 549 triệu bảng (773 triệu USD), do xuất khẩu cá hồi giảm sút.
Trong số các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu chủ lực của Anh trong năm 2015, chocolate, cá hồi và phomát đã “qua mặt” sản phẩm rau củ trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất, cụ thể tăng 6% so với năm 2014, lên 336,3 triệu bảng (473,4 triệu USD).
FDF bày tỏ hy vọng Chính phủ Anh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, mở cửa các thị trường xuất khẩu mới và đưa ra các biện pháp khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống./.