APEC 2017: Chuyên gia Malaysia tin tưởng vai trò dẫn dắt của Việt Nam

Giáo sư Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway (Malaysia) đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.
APEC 2017: Chuyên gia Malaysia tin tưởng vai trò dẫn dắt của Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời giáo sư Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway (Malaysia) đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.

Đồng thời, ông bày tỏ nhiều kỳ vọng vào những kết quả đạt được tại APEC lần này với vai trò chủ nhà của Việt Nam.

Theo giáo sư Yeah Kim Leng, một trong những đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu là chính sách bảo hộ thương mại, đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Để đảm bảo dòng chảy thương mại cũng như toàn cầu hóa, điều quan trọng là cần phải duy trì được tự do thương mại. Thực tế rõ ràng là các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, thực sự được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại.

Trong bối cảnh đó, APEC năm nay càng có vai trò quan trọng. Với cương vị nước chủ nhà đăng cai của Việt Nam, ý tưởng về tự do hóa thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương có thể được hồi sinh, thậm chí được các chính phủ quan tâm hơn, nhằm phá bỏ các rào cản thương mại và khuyến khích các dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới.


[Việt Nam đóng vai trò tối quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC]

Giáo sư cũng cho rằng APEC cần có những thay đổi về chính sách để thúc đẩy thực thi mạnh mẽ hơn các sáng kiến thay vì cơ chế hoạt động dựa nhiều vào sự tự nguyện như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ hàng rào phi thuế quan cũng như việc tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn nữa là những nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy mạnh hơn đầu tư nội khối giữa các nền kinh tế thành viên.

Hiện là thời điểm các chính phủ thông qua một số sáng kiến và tiếp tục cam kết tự do hóa thị trường, hướng đến giải pháp cùng thắng, bao gồm giữa các chính phủ với nhau và giữa chính phủ với khu vực tư nhân.

Về những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị chủ nhà của APEC 2017, giáo sư Yeah cho rằng nếu xem xét về Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi chủ chốt.

Tuy nhiên, khi TPP đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, Việt Nam có thể tái tập trung các nền kinh tế thành viên của APEC vào việc tạo dựng một khu vực tự do thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu Việt Nam có thể huy động một mạng lưới trên cương vị chủ nhà APEC 2017, các nền kinh tế thành viên có thể tăng cường nỗ lực, hướng đến một hình thức hội nhập khu vực, hoặc là dưới hình thức giống như Hội đồng Khu vực Tự do Thương mại ASEAN hay một số thỏa thuận khu vực khác.

Điều này sẽ giúp tạo ra một diễn đàn chung để đảm bảo rằng thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được tự do hóa.

Với chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” giáo sư Yeah Kim Leng cho hay chủ đề mà Việt Nam đưa ra cho năm APEC 2017 là rất thích hợp khi châu Á-Thái Bình Dương hiện vẫn đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới.

Theo giáo sư Yeah Kim Leng, APEC là một trong những thị trường lớn nhất xét về quy mô và tiềm năng tăng trưởng cũng như tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Những yếu tố này giúp tăng cường thương mại và tạo ra tiềm năng to lớn thu hút đầu tư từ khắp các khu vực như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Giáo sư Yeah Kim Leng nhận định nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những thập niên qua và đang tiếp tục mở cửa hơn nữa đối với thương mại và kinh doanh toàn cầu. Tốc độ mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục dẫn dắt tiềm năng tăng trưởng cho Việt Nam cũng như những nguồn lực to lớn của đất nước, đặc biệt là nguồn lực lao động. Việt Nam có nguồn nhân lực được đào tạo khá tốt.

Theo giáo sư Yeah Kim Leng, tiềm năng để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế xét trên khía cạnh thương mại và đầu tư sẽ được nâng cao hơn nữa thông qua hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, đặc biệt là hội nhập trong khu vực tự do hóa thương mại ASEAN hay trong khuôn khổ APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục